Tiễn biệt GS. Phan Huy Lê rời cõi tạm

GS. NGND. Phan Huy Lê để lại cho đời di sản về học thuật, đạo đức. Ảnh: Mạnh Thắng.
GS. NGND. Phan Huy Lê để lại cho đời di sản về học thuật, đạo đức. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Lễ viếng và lễ truy điệu GS. NGND. Phan Huy Lê diễn ra sáng qua 27/6 trong trọn vẹn nghĩa tình của gia quyến, học trò. Ông sống cuộc đời trường thọ “luôn nhận phần khó về mình” và tận hiến cho sự nghiệp tới giây phút cuối đời.

NIỀM KIÊU HÃNH

Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông sáng 27/6 đông hơn thường lệ. Giờ viếng GS. Phan Huy Lê từ 7h30, nhưng trước đó đông đảo thân hữu, đồng nghiệp, học trò của thầy tề tựu trong khuôn viên chờ nói lời tiễn biệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa viếng. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tới viếng và chia buồn với gia quyến. Đến viếng ông còn có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng nhiều lãnh đạo bộ, ban ngành khác.

 Những vòng hoa truyền thống, lẵng hoa lan vàng để chật kín lối đi. Một người bà con xa với cụ Phan Huy Lê chỉ vào lẵng hoa hồng trắng khác biệt bảo: “Bác ấy dặn kỹ càng lắm, phải làm đúng mẫu chụp gửi về”. Lẵng hoa hồng trắng đề dòng chữ “Anh chị và các con ở Pháp vô cùng thương tiếc” của bác sĩ Phan Huy Quế, anh trai của GS. Lê hiện sinh sống ở Pháp. Cuộc tiễn biệt GS. Phan Huy Lê diễn ra chuẩn chỉnh, hợp với phong cách sinh thời của ông. Những giáo sư đầu ngành như GS. Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc, Lưu Trần Tiêu, Vũ Dương Ninh túc trực bên linh cữu, chờ tiễn thầy Lê nốt đoạn đường tới nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Hàng loạt danh hiệu và giải thưởng cao quý gắn với GS. Phan Huy Lê như Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp có lẽ cũng là vật ngoài thân. Điều làm nên giá trị của Phan Huy Lê xét đến cùng chính là tài năng, nhân cách của nhà sử học chân chính và đáng kính trọng. “Tên tuổi, tài năng và nhân cách của thầy đã trở thành thần tượng, thành huyền thoại, thành niềm kiêu hãnh và tấm gương ngời sáng cho tất cả chúng tôi và các thế hệ mai sau”, GS. Nguyễn Quang Ngọc nói.

Nhà sử học Phan Huy Lê không chỉ trở thành niềm cảm hứng cho thế hệ học trò, ông cũng để lại cho gia đình, dòng tộc di sản từ nhân cách của một người con dòng dõi khoa bảng Phan Huy. Sau lời cảm tạ, con gái GS. Phan Huy Lê tâm sự với người cha đáng kính: “Chúng con nguyện noi theo tinh thần của bố. Trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời bố vẫn giữ được tấm lòng bao dung, sự điềm tĩnh, khẳng khái vượt qua tất cả với triết lí: Sự thật là chân lý cao nhất”. Trong con mắt của gia đình, GS. Lê “là người chồng, người cha, người ông hết mực thương yêu vợ con, sống tình cảm với anh em trong gia đình”. Những gì tốt đẹp nhất ông luôn dành cho vợ con, luôn nghĩ tới người khác và bao giờ cũng nhận phần khó khăn về mình”.

Điếu văn tôn vinh thầy Phan Huy Lê cũng không quên nhắc tới người lặng lẽ đứng sau vừa làm bệ đỡ vừa nâng tầm sự nghiệp và thành công của ông-bà Hoàng Như Lan. Bà cùng tuổi, cùng lớp đại học, cùng ngành nghề, chung chí hướng và là người bạn đời của ông trong hơn 60 năm qua. Bà Hoàng Như Lan dù tuổi cao sức yếu cố gắng có mặt vào những giây phút cuối trong lễ truy điệu. Được  biết tin ông ra đi phải giấu bà ít ngày vì lo bà không gượng dậy nổi. Bên cạnh người làm khoa học, cống hiến cho sự nghiệp trong gia đình GS. Lê ở tuổi bát tuần vẫn tự tay chăm sóc người bạn đời trong những trận đau yếu.

TÂM NGUYỆN DANG DỞ

Học trò của GS. Phan Huy Lê giờ đều da mồi tóc sương, rưng rưng trong phút tiễn biệt. Trong mắt hàng chục thế hệ học trò suốt hơn 60 năm qua, GS. Phan Huy Lê là nhà khoa học “có trí tuệ trác việt, tinh thần làm việc quên mình với năng suất lao động đáng kinh ngạc”. Ông công bố hơn 450 cuốn sách, bài báo khoa học trên nhiều lĩnh vực chuyên môn. GS. Phan Huy Lê được cho là người đứng đầu trường phái sử học thực chứng, luôn nhấn mạnh vai trò của sử liệu và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử. Ông bao giờ cũng mở rộng khai thác triệt để nguồn sử liệu như châu bản, văn bia, địa bạ, gia phả, tư liệu khảo cổ học, tư liệu lưu trữ, tư liệu văn hoá dân gian.

Đóng góp của thầy Lê trong việc xây dựng bộ sách Lịch sử Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là “sự tổng kết sáng giá các thành tựu sử học trong nước và quốc tế, chuẩn bị trực tiếp cho sự ra đời của Đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam do thầy làm Chủ nhiệm và Tổng chủ biên”. Nhờ tài tổng kết, tổ chức khoa học với nỗ lực phi thường của GS. Phan Huy Lê, đại công trình Quốc sử Việt Nam hứa hẹn hoàn thành đúng dự kiến. GS. Nguyễn Quang Ngọc kể vào những ngày cuối tháng 5 khi vừa từ Trường Sa trở về, sau khi  nghe báo cáo kết quả biên soạn bản thảo đầu tiên của bộ Quốc sử, GS. Phan Huy Lê rất vui, thực tin vào sự thành công của đề án. “Nào ngờ chỉ một tuần sau thầy nhập viện, những cố gắng cao nhất, điều kiện và phương tiện tối ưu không còn cách nào đưa thầy trở lại”, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

GS. Phan Huy Lê vội rời cõi tạm khi trên vai ông còn gánh quá nhiều trọng trách với sự nghiệp làm sử của nước nhà, nhưng dấu ấn và tinh thần của ông không dễ gì trở nên dang dở. Ông kiên trì quan điểm tiếp cận toàn bộ, toàn diện cho nên trong cuộc lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành cuối năm ngoái để chuẩn bị soạn thảo bộ Quốc sử, GS. Phan Huy Lê một lần nữa nhắc tới quan niệm: Lịch sử Việt Nam là lịch sử chung của cả nước, của toàn dân, của tất cả các tộc người chung sống trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Không chỉ quan tâm tới thông sử, nghiên cứu tổng quan, GS. Lê luôn quan tâm tới lịch sử địa phương, lịch sử dòng họ và các nhân vật cụ thể làm nên nguồn tư liệu vừa sáng rõ vừa sinh động hơn cho bức tranh lịch sử của đất nước.

Nhà sử học uyên bác Phan Huy Lê kiên định nghiên cứu, bảo vệ quan điểm: Sự thật là chân lý cao nhất. Ông mạnh dạn chỉ ra nhiều khoảng trống lịch sử, đề xuất xác lập nhận thức mới về lịch sử. “Nhìn nhận về lịch sử phải hết sức khách quan, cái gì khách quan của lịch sử mới tồn tại lâu dài được”, GS. Phan Huy Lê từng nói. Tin rằng tinh thần và tâm nguyện của ông sớm được thể hiện trong bộ Quốc sử đồ sộ gồm 25 tập sắp tới.

“Ông là người mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với thế giới thông qua nỗ lực tuyệt vời của ông dành cho thúc đẩy trao đổi và hợp tác với giới học thuật quốc tế”.

Văn phòng UNESCO tại Việt Nam

Những lời tri ân GS. Phan Huy Lê

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá “GS.NGND. Phan Huy Lê là chuyên gia hàng đầu của nền sử học Việt Nam, một tài năng lớn trong giới sử học nước nhà”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viết trong sổ tang: “Hôm nay và mai này, nhiều, rất nhiều người “biết sử ta”, nghiên cứu sử ta sẽ nhắc, sẽ nhớ Giáo sư”.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary bày tỏ lời chia buồn sâu sắc với gia quyến, cho rằng từ nay “nước Pháp mất đi một người bạn đặc biệt, một người rất yêu đất nước và văn hoá Pháp”. Những người bạn Pháp của GS. Lê như ông Andrew Hardy đến từ Viện  Viễn Đông Bác cổ nhắc lại sự ủng hộ của GS đối với những nghiên cứu của Viện từ một phần tư thế kỷ nay.

“Giáo sư Phan Huy Lê là một nhà sử học xuất chúng và đáng ngưỡng mộ bởi sự mẫn tiệp trong học thuật của ông, bởi cống hiến ông dành trọn cho Hà Nội và Việt Nam. Ông là một quý ông vô cùng lịch lãm, luôn luôn thanh lịch và tử tế”, Tiến sĩ William Logan, thành viên Hội đồng hàn lâm FASSA Australia viết.

MỚI - NÓNG