Tịch thu giấy phép vĩnh viễn nếu xe gây tai nạn nghiêm trọng

Vụ tai nạn thảm khốc ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hôm 1/9 (ảnh: Quốc Cường)
Vụ tai nạn thảm khốc ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hôm 1/9 (ảnh: Quốc Cường)
Nếu để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn. Việc tịch thu giấy phép vĩnh viễn cũng áp dụng nếu 20% xe chở quá tải bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm…

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 1/12/2014.

Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh trong vòng 3 tháng nếu xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, tịch thu giấy phép 1 năm nếu đơn vị kinh doanh vận tải có 50% số xe hoạt động mà người lái xe vi phạm luật gây tai nạn giao thông nghiêm trọng và tịch thu vĩnh viễn nếu tái diễn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong 3 năm.

Việc tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn cũng được áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải có hơn 20% số xe ô tô kinh doanh vận tải bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm về chở quá tải trọng quy định hoặc hơn 20% số xe vi phạm và bị xử lý về bảo đảm điều kiện kỹ thuật của xe.

Trong Nghị định này, công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi cũng sẽ được siết chặt hơn. Theo đó, từ ngày 1/7/2016, xe taxi phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách. Quy định này được đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi của hành khách đi taxi.

Nghị định quy định tất cả các xe ô tô kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và có quy định lộ trình lắp đặt phù hợp để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện từ nay đến năm 2018. Đơn vị kinh doanh vận tải phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe; có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông... Ở các Nghị định trước quy định này chỉ áp dụng đối với một số loại xe.

Từ 1/7/2016, các nhà xe nhỏ sẽ không được chạy xe đường dài. Nhà xe chạy tuyến cố định từ 300 km trở lên phải có số phương tiện tối thiểu từ 20 xe trở lên tại các thành phố lớn và 10 xe trở lên tại các địa phương. Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, những tuyến dài trên 1.000 km có tình trạng nhiều nhà xe nhỏ tranh giành khách với doanh nghiệp vận tải chính tuyến, gây mất trật tự và an toàn giao thông, vì vậy Bộ này sẽ quy hoạch lại vận tải khách theo tuyến cố định, hạn chế doanh nghiệp chỉ có một vài xe chạy tuyến đường dài.

Liên quan đến xe khách giường nằm, ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, cơ quan này đang rà soát và nghiêm cứu điều chỉnh một số tiêu chuẩn kỹ thuật rồi sẽ thử nghiệm, kiểm tra xe khách giường nằm cao tầng để đưa ra các thông số nâng cao tính an toàn cho phù hợp với từng cung đường.

Một nội dung quan trọng khách trong Nghị định 86 là Chính phủ chính thức bổ sung quy định về việc phải khám sức khỏa định kỳ và tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, người điều hành vận tải của đơn vị kinh doanh, các địa phương và đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng tài xế không đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn lái xe gây tai nạn giao thông. Trước đây, việc khám sức khỏe cho lái xe chỉ được đưa ra trong các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông Vận tải, vì thế đã xảy ra tình trạng các địa phương chậm triển khai hoặc cố tình không thực hiện nên phải đốc thúc nhiều.

Theo Châu Như Quỳnh

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG