Cảm nhận đầu tiên với tập thơ có “thân phận” khá đặc biệt này, là gì? Thôi, để nói trước về thân phận của nó đã. Nhiều, tới 62 bài (toàn là những bài mới keng), dày tới 188 trang, được in chỉ đúng... 500 bản! Không gian xuất hiện của tập thơ đóng khung trong các thư viện, và phòng tư liệu của các trường liên quan đến xã hội, nhân văn. Đối tượng đọc của nó chỉ những người đọc có thẻ… Cuối cùng, tại vị trí ghi giá tiền là mấy chữ “Sách nhà nước đặt hàng”. Đây là một trong 17 tác phẩm trong danh mục sách Nhà nước đặt hàng năm 2017 của Nhà xuất bản Hội Nhà văn (nhưng giờ mới tới tay tác giả).
“Kịp” bỏ tiền ra để được in nối thêm mấy chục bản, có cái mà tặng thi hữu, bạn bè, phải nói là Thúy khá “ngơ ngác” với cuộc “sinh nở” khác thường này.
Mà thôi, tôi “có vẻ như quá lan man. Vẫn chưa nói được gì về màu xanh lá” (thơ Thúy)
Giờ nói về vết nứt. “Đó là một vết nứt kéo dài theo cơ thể... Chạy suốt từ đỉnh đầu xuống bờ vai xuôi theo vòng lượn của chiếc hông rồi kéo dài tận gót chân”. Vết nứt mảnh mịn ấy ngày càng mở lớn “Sâu hun hút… Tôi lại thấy biển... Vết nứt rộng ra. Rộng hơn. Rộng hơn. Tôi bước vào. Và không còn tôi nữa”. Bài thơ như một thiên truyện theo kiểu huyền ảo Mỹ Latinh. Với cái kết mang chứa một tâm thức “lạ”, so với thơ Thúy trước kia. Thúy đã mở đầu tập thơ như thế đấy. “Và không còn tôi nữa”. “Tôi” ấy đi đâu ? Công cuộc cư/trú ngụ tiếp theo ra sao? Cõi nào? “Không phải ai có cũng thể tồn tại sau khi rơi xuống”. “Tồn tại”/”Rơi”? Bài thơ ghi ngày 28.4.2010. Có liên quan gì đến cú tai nạn cả xe khách rơi xuống hố sâu trên đó có con trai của Thúy? Không phải. Những cú “rơi” đã thường trực trong nữ sĩ rồi.
[ À, hãy cứ để tôi tiếp tục lối viết “lạc trôi” thế này đi. Bởi viết về thơ Đinh Thị Như Thúy thường rất khó thể rành mạch. Như Thúy từng nói “những ý tưởng cứ miên man trong tôi, tôi thích để chúng được miên man chảy như thế trong bài thơ của mình” ].
Giờ nói về màu xanh, cái chết. “Và con thú lớn nhất. Ông đã săn vào giây phút cuối đời. Là chính ông. Ông đã ngậm đầu súng. Một khẩu súng săn. Trong miệng. Và bóp cò”. Đó là Hemingway, nhà văn có niềm ham mê săn bắn. Nhưng một nữ sĩ (như Thúy) “có thể kết thúc tất cả. Không phải bằng khẩu súng săn”. Không phải với ngón tay bóp cò. Mà bằng cách đưa những ngón tay ấy yêu thương, mơn trớn, ôm ghì lấy (một thứ) màu xanh (“màu của yên tĩnh. Màu của bóng mát. Màu của cỏ dại. Của những sinh sôi bất tận”). Và điểm chạm cuối cùng đầy khao khát, hứng khởi là màu xanh mướt phủ lớp da con rắn lục “đang mang tâm trạng vui vẻ” (Chỉ chúng ta mới có quyền kết thúc cuộc chơi này). Ai bảo thơ/văn chương là không nguy hiểm?
Đến thi phẩm này, “khu vườn” – một thi ảnh vốn quá đỗi quen thuộc trong thơ Thúy có vẻ đã bị gián cách bởi không gian và thời gian khác. Không còn trực tiếp như thời còn sống giữa vườn, với Tây Nguyên. Dẫu vẫn được Thúy phủ bởi sự quan sát đầy trực cảm quen thuộc trong thi pháp của mình. “Giờ thì nhắm mắt. Hình dung các triền đồi cà phê bên hồ Tân An... Mang nỗi nhớ bay đi. Vượt trùng trùng xa ngái. Tìm đến một người” (Hoa trắng tháng Hai)
“Giá như tôi có vườn. Mưa sẽ đẫm các vòm lá. Tiếng mưa rơi từ các vòm lá nghe thật náo nức. Tôi không có vườn. Tôi có một phòng trọ. Tôi có một hành lang hẹp. Tôi có một bức vách. Tôi có những tin nhắn chừng mực ngắc ngứ của anh. Tôi có một đam mê đã nguội”. (Mấy tháng rồi trời mới chịu mưa). Khu vườn ấy chỉ còn thấp thoáng trong Thúy, khi trở thành công dân thành phố biển.
Một con sên đen “Màu đen đẫm nhớt và vẻ chậm chạp của nó khiến nàng ghê tởm”. Hất nó vào bồn cầu và giật nước. “Nó trôi tuột đi”. Lẽ ra “nàng làm khác đi. Mang nó ra vườn, đặt nó vào đất ẩm”, là nơi chốn quen thuộc của nó. Cũng chính của nàng. “Bởi lẽ nếu nàng là con sên nàng cũng mong có ai đó mang nàng về với nơi chốn của nàng” (Chúng ta không thuộc về thế giới này). NƠI CHỐN của thi sĩ, ở đâu?
Giờ nói về mưa, và nước. Cũng lại là những thi ảnh vốn dày đặc trong thơ Thúy. Xem giờ có khác gì không. “Không dừng lại được cũng là một hình thức chết”. Đó là Những cơn mưa của ngày dài mê dại.... Bởi chúng ta “cần nhiều hơn nữa. Rào rạt hơn nữa. Xối xả hơn nữa. Như một nhát cắt sâu. Đủ để máu chúng ta hòa vào mưa. Đau ngất và buồn đến rủn người”. Khác. Những cơn mưa – thơ Thúy bây giờ ít hoang sơ hơn, mà chạm tới nỗi gì còn hơn khắc khoải. Và xa xăm đến lạ. “Ở nơi chốn mới/ Nơi đó có mưa không?”. Đến độ siêu thực. “Những ngón tay chơ vơ trên mặt bàn buổi trưa mưa và nắng đan nhau chằng chịt” (Như chưa từng tồn tại). Có ai đó hãy mau mang màu mang toan vẽ gấp khung cảnh đôi tay này đi. Một cách thật đơn giản. Sẽ có bức hội họa để đời. Khung cảnh của người giấu mặt đang “mang trên ngón tay nỗi đau buồn rực rỡ”.
Thúy, vết nứt, và chúng ta đi đâu? Đêm đêm “chính tiếng nàng thì thầm giục giã. Hãy ra đi. Hãy trở về. Hãy quay về nơi đó. Nhưng đó là nơi nào?”. Nơi đó, cánh cửa đó có phải là vết nứt mịn mờ trên thân thể giờ mới chợt phát hiện ra chăng? Hay vết nứt trên mặt đường nhựa, đột ngột mở ra nuốt một phận người, rồi đột ngột được vá lại bằng nhựa đen, bột đá và cả “xương thịt xay vụn nữa”. Trong bài ở cuối tập mang cái tựa thật bình yên “Và lũ hoa cứ nở trong mưa lạnh”, nhưng chưa bao giờ tôi thấy có bài thơ nào đau đớn đến vậy.
Ừ, chúng ta đi đâu? Cơn mưa ngày mai là cơn mưa khác. Và nó “sẽ ngưng vào thời khắc không ai còn quan tâm”. Con sóc với chiếc đuôi xù tuyệt đẹp này, ngày mai sẽ là con sóc khác. Đi. Như cách Thúy “mơ làm dòng nước trôi chậm trong đất. Trôi. Và lắng lại. Đừng xô đẩy. Đừng dằn vặt. Để tôi nhìn thời gian trôi. Và nhìn tôi sống” (Có thể đi hết chiều dài của cơn mộng này không?). “Bạn nói: Chúng ta cần sống lại từ tro cốt của chúng ta... Bạn nói: Đã chìm đến đủ sâu chưa? Đủ để kết thúc mọi giấc mơ” (Mấy tháng rồi trời mới chịu mưa).
Tôi nhìn tôi sống. Sống lại từ tro cốt của chúng ta. Đó là hành trình mới của Thúy. Và thơ…
18/8/2018