> Luật phu trầm, máu & nước mắt
Quần thể thủy tùng cuối cùng ở Ea Ral, Ea H’leo. |
Cách đây vài năm, cơn sốt dùng thủy tùng làm đồ mỹ nghệ và trị bệnh khiến hàng trăm cây quý hiếm bị đốn hạ. Ngay cả lòng hồ, ruộng lúa cũng bị xăm nát để tìm kiếm những cây vùi trong bùn đất nhiều năm.
Ông Bùi Thọ Đảm, Trạm trưởng trạm Bảo vệ thủy tùng Trấp K’sơr, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk kể: “Có thời điểm nạn săn thủy tùng ồ ạt đến mất kiểm soát, tôi phải báo cáo lên Hạt kiểm lâm và điện thoại ra Trung tâm bảo tồn thực vật nhờ can thiệp. Không biết thực hư về khả năng trị bệnh của thủy tùng như thế nào nên nhiều người đã tìm đến tận trạm để xin vỏ, lá cây để mang về trị bệnh”.
Mất vùng đệm
Hai quần thể thủy tùng còn sót lại ở Đăk Lăk đang thuộc sự quản lý, bảo vệ của trạm Trấp K’sơr và trạm Ea Ral, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo với số lượng chưa đến 240 cây. Sau năm 1975, ở những khu vực này vẫn còn cả cánh rừng thủy tùng nguyên sinh bạt ngàn, người dân chặt hạ làm ván đóng nhà, làm trụ rào.
Hiện tại, khu rừng đặc dụng Trấp K’sơr chỉ còn lại 21 cây, còn 3 cây khác nằm trên đất nông nghiệp của dân nên phải thuê các hộ ở đây bảo vệ với mức phí 100 nghìn đồng/cây/tháng.
Trước nguy cơ biến mất của loài cây thủy tùng, mới đây, UBND tỉnh Đăk Lăk quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước, trực thuộc Sở NN&PTNT. Dự án bảo tồn sẽ được triển khai trong 5 năm (2011 – 2015) với tổng kinh phí gần 46 tỷ đồng.
Ông Bùi Thọ Đảm cho biết: “Tới đây, Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước sẽ được đặt trụ sở tại Trấp K’sơr, bởi diện tích ở đây vẫn còn 51,6 ha thuận lợi cho việc nghiên cứu và phục hồi. Năm trước, Trường Đại học Đà Lạt có gửi cho trạm nuôi thử nghiệm 10 cây con từ việc nuôi cấy mô nhưng sau một thời gian thì tất cả đều bị chết. Tôi làm ở đây nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa thấy hiện tượng mọc cây con. Tôi sợ trong tương lai sẽ không còn cây thủy tùng nữa”.
Ông Bùi Thọ Đảm . |
Và nguy cơ tuyệt chủng
PGS-TS Bảo Huy, Phó trưởng khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên; Chủ nhiệm Công trình xây dựng Dự án Bảo tồn loài sinh cảnh thủy tùng, cho biết: “Thủy tùng là loài cổ thực vật, giả sử không có sự tác động của con người thì đến một giai đoạn nào đó thì nó sẽ không còn hiện hữu nữa vì không thích hợp. Đây là một quá trình thoái hóa thực vật về mặt cổ sinh vật. Hơn nữa, đây là loài hạt trần, khả năng thụ phấn rất khó, hạt không có phôi để tái sinh cây con”.
Ông nhận định, với tình trạng như hiện nay thì có nguy cơ cây thủy tùng sẽ tuyệt chủng. Độ tuổi của quần thể thủy tùng ở Đăk Lăk từ 50 đến 300 tuổi. Ở Cư Né, huyện Krông Búk còn 5 cây có tuổi từ 400 đến 600 đã bị lâm tặc trộm mất lõi.
PGS-TS Bảo Huy rằng, vẫn bế tắc trong vấn đề nhân giống và phát triển thủy tùng vì cây đòi hỏi phải có sinh cảnh (đất ngập nước, sình lầy, các loài cây bạn…); sinh sản của thủy tùng qua hạt nên rất khó khăn. Việc nuôi cấy mô mới ở trong phòng thí nghiệm, chưa thành công khi đưa ra môi trường. Trong khi khả năng tái sinh chồi bằng rễ thở mới phát hiện tại khu rừng chỉ là hiện tượng ở dạng tiềm năng.
PGS-TS Bảo Huy trăn trở: “Để bảo vệ thủy tùng cần phải có diện tích đủ rộng, có vùng đệm, hành lang an toàn. Quan trọng là sinh cảnh sống, nếu không bảo tồn được sinh cảnh thì việc nuôi cấy mô thành công cũng không có ý nghĩa”.
Loài thủy tùng hay thông nước có tên khoa học Glyptostrobus pensilis, thuộc họ Bụt mọc Taxodiaceae. Ngoài giá trị khoa học, thủy tùng còn là cây có giá trị kinh tế cao, gỗ được sử dụng làm đồ mỹ nghệ, nhạc cụ… Rễ thở mềm, xốp, nhẹ nên có thể dùng làm mũ, nút chai, phao… Thủy tùng còn là cây dược liệu chữa phong thấp, giảm đau, làm săn da... |