Nhờ được nâng cấp tốc độ xử lý từ 9,8 petaflop (tương đương 9,8 triệu tỉ phép tính mỗi giây) lên 19,6 petaflop (19,6 triệu tỉ phép tính/giây), siêu máy tính Piz Daint của Thụy Sỹ đã vươn lên vị trí số 3 trong danh sách các siêu máy tính hàng đầu thế giới. Điều này đồng nghĩa, Piz Daint đã đẩy siêu máy tính Cray XK7 của Bộ Năng lượng Mỹ với tốc độ xử lý 17,6 petaflop xuống vị trí thứ 4.
Đây chỉ là lần thứ hai trong vòng 24 năm qua Mỹ bị rớt khỏi tốp 3 siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Lần gần đây nhất, Mỹ cũng bị rơi vào tình trạng này là năm 1996.
Theo hãng thông tấn BBC, siêu máy tính Piz Daint được đặt tên theo một ngọn núi ở vùng Grison của Thụy Sỹ. Cỗ máy đang được đặt tại trung tâm siêu máy tính quốc gia của nước này.
Trong khi đó, siêu máy tính của Bộ Năng lượng Mỹ đang tọa lạc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở bang Tennessee.
Mỹ đang hy vọng sẽ quay trở lại tốp 3 vào cuối năm nay, khi siêu máy tính Summit của phòng thí nghiệm Oak Ridge đi vào hoạt động trực tuyến. Tốc độ xử lý tối đa của Summit dự kiến có thể đạt tới hơn 100 petaflop.
Các siêu máy tính thường được sử dụng để thực hiện các tính toán đòi hỏi sự chi tiết cực cao, dự báo thời tiết cũng như giải quyết các vấn đề trong vật lý, khoa học máy tính và địa vật lý.
Mặc dù hai hệ thống của Thụy Sỹ và Mỹ có thể xử lý lượng lớn dữ liệu, nhưng các cỗ máy của Trung Quốc chiếm giữ 2 vị trí hàng đầu trong danh sách siêu máy tính của thế giới còn mạnh hơn nhiều.
Cụ thể, siêu máy tính Thiên hà 2 của Trung Quốc đang xếp ở vị trí quán quân với tốc độ 33,9 petaflop, trong khi siêu máy tính Sunway TaihuLight cũng của nước này chiếm ngôi vương với tốc độ vượt trội 93 petaflop.
Nhật hiện cũng đang chế tạo một siêu máy tính có tên AI Bridging Cloud với tốc độ xử lý dự kiến còn vượt qua cả đương kim vô địch Sunway TaihuLight. Khi hoàn thành, các nhà phát triển hy vọng hệ thống này sẽ đạt tốc độ xử lý tối đa là 130 petaflop.