Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước xác định 3 trụ cột phát triển với 7 nội dung chính
Kiểm toán nhà nước xác định 3 trụ cột phát triển với 7 nội dung chính
TPO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030). Trong đó xác định 3 trụ cột phát triển và 7 nội dung chính.

Chiến lược phát triển KTNN thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KTNN; tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại.

Bên cạnh đó, bảo đảm tính độc lập của hoạt động KTNN tương xứng với vị trí, vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”, góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước…

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chiến lược KTNN hướng tới mục tiêu phát triển tổ chức bộ máy chuyên nghiệp, chất lượng; xây dựng đội ngũ công chức tinh gọn, đến năm 2030 tối đa không quá 2.700 người.

Mục tiêu hướng tới tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường đạt tỷ lệ khoảng 30 – 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm; chú trọng việc phát hiện các sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, theo dõi, đôn đốc và có giải pháp để đến năm 2030 hầu hết các kiến nghị kiểm toán được thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành kiểm toán cũng sẽ dần chuyển đổi từ quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo; thực hiện hoạt động “tiền kiểm” với dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chủ trương, chính sách lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao năng lực kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ, yêu cầu giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Trong hợp tác quốc tế, lấy hội nhập chuyên môn làm trụ cột, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, khẳng định năng lực chuyên môn của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; phát triển đồng thời hợp tác song phương và đa phương, trong đó hợp tác đa phương nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế với cộng đồng quốc tế thông qua việc chủ động tham gia, xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán chung.

Đáng lưu ý, chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 xác định ba trụ cột phát triển, cụ thể là về khuôn khổ pháp lý; về nguồn nhân lực và về công nghệ.

MỚI - NÓNG