Thường trực hiểm họa

Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết tại Thanh Hóa xảy ra tháng 4-2011 Ảnh: Hoàng Lam
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết tại Thanh Hóa xảy ra tháng 4-2011 Ảnh: Hoàng Lam
TP - Theo các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa, phần lớn các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều do ý thức người tham gia giao thông còn thấp, thậm chí còn bất chấp các quy định. Trong khi công tác tuyên truyền về Luật an toàn giao thông chưa được sâu rộng.

> Đua nhau chiếm hành lang an toàn đường bộ

Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết tại Thanh Hóa xảy ra tháng 4-2011 Ảnh: Hoàng Lam
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết tại Thanh Hóa xảy ra tháng 4-2011. Ảnh: Hoàng Lam.

Đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 120 km và có đến gần 140 đường ngang, lối đi dân sinh cắt ngang qua. Những điểm giao cắt giữa đường ngang này và đường sắt là nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Theo thống kê, hiện có 79 đường ngang chạy qua đường sắt, trong đó có 30 đường ngang có người gác, 28 đường ngang có biển báo, 21 đường ngang có cảnh báo tự động. Cũng trên tuyến đường này có tới 136 lối đi dân sinh qua đường sắt và tồn tại 10 điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn.

Ông Phạm Minh Khôi- Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Thanh Hóa cho biết: “Mục tiêu an toàn về mọi mặt trên tuyến đường sắt do đơn vị quản lý được xác định là quan trọng. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác tuyên truyền về Luật An toàn Giao thông Đường sắt còn nhiều hạn chế.

Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng hành lang an toàn, kinh phí xây dựng hệ đường gom để hạn chế lối đi dân sinh, kinh phí xóa bỏ điểm đen chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc để nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện Luật An toàn Giao thông Đường sắt...”.

Theo các cơ quan chức năng, trong thời gian qua, hầu hết người bị thương, bị tử vong do tai nạn giao thông đường sắt gây ra không phải là người ở địa bàn xảy ra tai nạn. Trong khi việc tuyên truyền Luật An toàn Giao thông Đường sắt những năm gần đây chỉ tập trung ở các địa phương có đường sắt đi qua như: thị xã Bỉm Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Tĩnh Gia.

Thực tế có rất nhiều trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt xảy ra ở Thanh Hóa và chưa được giải quyết, vì liên quan đến kinh phí đền bù. Tình trạng tái lấn chiếm các điểm vi phạm hành lang an toàn đường sắt mà ngành đường sắt đã giải tỏa liên tục tăng. Ông Khôi cho rằng, xảy ra tình trạng này là do chính quyền địa phương không tham gia giải quyết tình trạng này.

Trong số 10 điểm đen trên tuyến đường sắt qua Thanh Hóa thì có 3 điểm đang có người cảnh giới liên tục, 7 điểm còn lại thường được bố trí người cảnh giới vào những giờ cao điểm có đông người qua lại. Cơ quan quản lý đường sắt cũng cho biết, việc xóa bỏ lối đi dân sinh không đơn giản, vì liên quan lịch sử hình thành lối đi của từng địa phương và kinh phí của ngành, sự phối hợp của chính quyền các địa phương và ngành chức năng.

Tại điểm giao cắt phức tạp giữa đường Nguyễn Chí Thanh (TP Thanh Hóa) với đường Đông Tác, dễ thấy nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập người đi đường. Tại đây, đường sắt chạy song song với đường Nguyễn Chí Thanh cùng cắt đường Đông Tác.

Trong khi đó, quanh các điểm giao cắt phức tạp này hoàn toàn không có hệ thống đèn giao thông báo hiệu giảm tốc độ hay dừng đỗ cho các loại phương tiện. Mỗi khi có tàu đi qua, xe lại bị ùn dài ngay trên con đường vốn là quốc lộ 1A đi qua thành phố. Dân ở đây cho biết, nhiều vụ tai nạn giao thông đã cướp mất tính mạng của nhiều người, họ rất mong trên tuyến giao cắt này được lắp đặt đèn xanh đỏ để giảm số vụ tai nạn xảy ra.

Theo thống kê của ngành chức năng, 4 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 76 vụ tai nạn giao thông, trong đó đường bộ 74 vụ, đường sắt 2 vụ. Các vụ tai nạn giao thông đã làm chết 87 người, làm bị thương 43 người. Trong đó, ở Thanh Hóa tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cũng xảy ra 3 vụ, làm chết 10 người, bị thương 7 người.

Ban An toàn giao thông Thanh Hóa cho rằng: TNGT tại địa phương đã và đang diễn biến phức tạp, nguyên nhân là ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn kém.

Cuộc thi “Văn hóa giao thông-ứng xử của bạn” được báo Tiền Phong và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức trên báo Tiền Phong hằng ngày và Tienphongonline. Cuộc thi kéo dài đến hết ngày 30-8-2011.

Theo thể lệ cuộc thi, mọi công dân đều có thể gửi bài dự thi. Bài dự thi là bài phản ánh, bình luận, phân tích, thơ, tiểu phẩm (chưa được đăng ở các báo, tạp chí khác)…

Nội dung của bài dự thi có thể đề cập đến 4 nhóm nội dung chính như: Chú trọng đề xuất giải pháp, ý tưởng, kiến nghị xây dựng và thực hiện nếp văn hóa giao thông; Phòng chống tai nạn giao thông; Phản ánh, biểu dương các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phòng chống tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông; Thái độ của lãnh đạo các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giao thông, của hệ thống chính trị trong việc giải quyết vấn đề an toàn giao thông nói chung và xây dựng văn hóa giao thông nói riêng.

Ban tổ chức cuộc thi mong nhận được nhiều hơn nữa bài dự thi của bạn đọc cả nước. Bài và ảnh xin gửi về: báo Tiền Phong -15-Hồ Xuân Hương-Hà Nội.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG