Thượng nguồn tăng khai thác, nước về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm

TPO - Hiện nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 94% phụ thuộc thượng nguồn sông Mekong. Vì vậy, các hoạt động khai thác nước phía thượng nguồn đã và đang làm giảm nước chảy vào Việt Nam.

Chiều 26/4, Hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã diễn ra. Hội thảo do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Thượng nguồn tăng khai thác, nước về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm ảnh 1

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hòa Hội

Ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, hiện nguồn nước ĐBSCL phụ thuộc lớn từ thượng nguồn sông Mekong, chiếm 94% tổng lượng nước. Vì vậy, các hoạt động khai thác phía thượng nguồn đã và đang làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Có thể kể ra như các đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mekong, hay dự án kênh đào Phù Nam chuẩn bị được Campuchia xây dựng.

Cùng với suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn và nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, chất lượng nguồn nước trong vùng ĐBSCL còn chịu áp lực bởi các hoạt động phát triển kinh tế nội tại trong vùng như: Nước thải sinh hoạt từ các đô thị; nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, chăn nuôi, trồng trọt; hoạt động sản xuất công nghiệp...

Thượng nguồn tăng khai thác, nước về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm ảnh 2

Trẻ em tại Bến Tre nhận được nước suối từ mạnh thường quân. Ảnh: Hòa Hội

Theo Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia, nhu cầu nước cả vùng đến năm 2030 hơn 58 tỷ m3, đến năm 2050 gần 58,8 tỷ m3. Nhu cầu nước tăng đồng thời nước thải phát sinh cũng tăng. “Đây sẽ là áp lực lớn đối với nguồn nước của ĐBSCL, đặc biệt là giải quyết vấn đề nước ngọt, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt ở các kênh, rạch nhỏ chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, trước mắt công tác dự báo, theo dõi dự báo để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt phải được đặc biệt quan tâm, ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, trữ nước cho sản xuất.

Bên cạnh đó, rà soát lại diện tích cây trồng và khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra; triển khai các phương án ngăn mặn, giữ ngọt, tiết kiệm nước tưới. Đặc biệt, tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, linh hoạt tích trữ nước ngọt, tránh lãng phí nguồn nước ngọt.

Thượng nguồn tăng khai thác, nước về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm ảnh 3

PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Hòa Hội

PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, hiện ĐBSCL đối mặt 7 thách thức về nguồn nước, gồm: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đập thủy điện ở thượng nguồn; chuyển nước sông Mekong qua nơi khác (như kênh đào Phù Nam); suy giảm chất lượng môi trường đất, nước; thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước; hiệu quả sử dụng nước thấp và khai thác tài nguyên nước quá mức.

Thượng nguồn tăng khai thác, nước về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm ảnh 4

Biểu đồ thể hiện hiệu quả kinh tế nguồn nước theo GDP do Ngân hàng Thế giới thống kê.

Ông Tuấn dẫn chứng, so sánh hiệu quả kinh tế nguồn nước theo GDP (tính theo USD/m3) của Ngân hàng Thế giới vào năm 2019. Cụ thể, mỗi m3 nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD, bằng khoảng 1/10 trung bình toàn cầu (19,42 USD/m3), thấp hơn Lào (2,53 USD/m3), và Campuchia (8,22 USD/m3). Do đó, giải pháp là chủ động trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng; đồng thời chuyển diện tích lúa, màu sang nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó là hạn chế khai thác nước ngầm, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt...

Thượng nguồn tăng khai thác, nước về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm ảnh 5

Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hòa Hội

Cà Mau hiện là một trong những địa phương chịu tác động nặng của hạn mặn, đặc biệt sụt lún, thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, giải pháp trước mắt là thay đổi nhận thức từ người dân đến cấp chính quyền về dùng nước tiết kiệm. Cà Mau đang làm đề án nâng cao năng lực trữ nước tại chỗ quy mô hộ gia đình, cộng đồng, làng xóm. Trữ nước mưa để sinh hoạt, phục vụ sản xuất...

Về lâu dài, theo ông Sử, cần giải pháp cấp nước từ hệ thống sông Mekong về vùng ven biển càng sớm càng tốt để phục vụ người dân.

Tin liên quan