Thưởng bèo, công nhân chắt chiu sắm Tết

Công nhân tìm đến những quầy bán hàng hạ giá để mong kiếm được đồ như ý. Ảnh: Ngô Bình
Công nhân tìm đến những quầy bán hàng hạ giá để mong kiếm được đồ như ý. Ảnh: Ngô Bình
TP - Sau hơn hai tiếng đồng hồ lượn qua các cửa hàng quần áo, giày dép, chị Mai mua được vài bộ quần, giày dép gửi về quê làm quà Tết cho hai đứa con nhỏ. Có món quà này, chị đã dành dụm từ mấy tháng trước kèm theo một phần tiền thưởng Tết khiêm tốn của công ty.

Gửi quà thay vì về quê

Chị Nguyễn Thị Mai (33 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM, cầm gần một triệu đồng, cùng nhóm bạn đi chợ đêm, nơi các cửa hàng đang bán đồ hạ giá. “Công nhân chúng tôi chỉ mua ở khu vực bán đồ hạ giá này thôi, tiền đâu mà vào mấy cái shop. Đồ rẻ chất lượng không cao nhưng nhìn thấy đẹp mắt, ưng ý nên mua để con có đồ đón Tết là mừng rồi”, chị Mai nói.

Mua cho con hai bộ quần áo, hai đôi giày với giá hơn 100 nghìn đồng, chị tiếp tục tìm đến các sạp ba lô, bánh kẹo để mua quà tặng cho gia đình. Đây là năm thứ hai chị Mai không về quê đón Tết. Hai đứa con, một đang học lớp 8, một đang học lớp 5 hai năm nay chưa nhìn thấy mặt mẹ. “Năm nay thưởng ít, tôi phải chắt chiu mua ít đồ gửi về cho hai con, còn ở lại Sài Gòn kiếm việc làm thêm dịp Tết”- chị nói.   

Gần một tiếng đảo qua các điểm bán quần áo ở khu chợ Bà Hom, quận Tân Bình, TPHCM, chị Phạm Thị Hải (35 tuổi, quê Nghệ An, công nhân trong Khu công nghiệp Pou Yuen) vẫn chưa tìm được món đồ nào. Chị Hải cho biết, chị đang tìm mua cho con và ông bà ngoại ít đồ. Mấy ngày trước, chị gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình thì hai đứa con nằng nặc đòi mẹ mua quần áo và ba lô mới để đi học. 

Tan ca về nhà, chị Dương Bích Hạnh (36 tuổi, quê Kiên Giang), công nhân Công ty CP Việt Nam- Mộc Bài (Tây Ninh), chạy ngang khu chợ vùng biên nhưng chỉ nhìn chứ không dám mua sắm gì. Chị cho biết: “Đồng lương thì ít ỏi, chưa đầy 3 triệu đồng/tháng. Tết nay lại không có thưởng nên chẳng có dư, lâu lâu mỗi đợt lãnh lương thì mua vài món đồ về nhà xài. Chứ còn mua đồ, quà Tết về quê thì năm nay không dám”.

Chồng chị Hạnh là Nguyễn Thanh Long (32 tuổi, quê Tây Ninh) làm cùng công ty. Lương mỗi tháng của hai người chưa đến 5 triệu đồng. Vì vậy, khi được hỏi “Tết này có về quê không”, chị Hạnh lắc đầu. “Dành tiền để gửi về lo cho em út, ba mẹ ở quê. Chứ về quê cả gia đình thì tiền vé xe cả lên lẫn xuống hơn cả triệu đồng rồi”, chị Hạnh nói. 

Anh Long cho biết: “Tết năm nay, hai vợ chồng không có tiền về quê, nên cũng không mua sắm quà gì về tặng ba mẹ hai bên. Chỉ dành dụm ít tiền gửi về mọi người ở quê ăn Tết gọi là. Còn vợ chồng anh Huỳnh Minh Tân (28 tuổi, quê Tiền Giang) lo lắng nói: “Hiện tại vợ tôi đang mang bầu, từ mấy tháng nay làm tiền lương chỉ đủ ăn, đủ lo cho gia đình. Không có đồng nào dư dả thì làm sao sắm tết được. Sắp tới, vợ nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con nhỏ nên ngay từ bây giờ phải chuẩn bị tiền trước”.

Tiểu thương buồn lây

Công nhân không thưởng Tết, các tiểu thương cũng buồn lây. Anh Hà Văn Sang (44 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng vợ bán túi xách, dây chuyền tại khu Công nghiệp Việt Nam Mộc Bài (Tây Ninh) cho biết, từ sáng giờ mà vẫn chưa bán được món nào, công nhân đi làm tan ca về, chạy ngang nhìn lướt qua rồi đi. Người vợ anh tiếp lời: “Thường thì cứ đến ngày lãnh lương của tháng cuối năm là công nhân hay mua sắm tết lắm. Không hiểu sao năm nay, đến giờ vẫn chưa thấy gì”.

Bày hàng quần áo bán bên cạnh quầy bán túi xách của anh Sang, chị Nguyễn Thị Nhung (39 tuổi, quê Quảng Ngãi) thấy công nhân đi ngang, chèo kéo vào xem quần áo mẫu mới, giá rẻ. Nhưng nhiều người chỉ xem rồi lắc đầu bỏ đi, mặc dù giá bán mỗi bộ quần áo chưa đầy 140 ngàn đồng.

Anh Nguyễn Văn Minh (34 tuổi, quê Tây Ninh), bán quần áo nam cho biết: “Năm nay buôn bán ế, công nhân sắm tết ít quá. Lâu lâu có vài người đến mua vài bộ áo nam để về cho chồng, cho em trai. Chứ chưa thấy công nhân mua sắm quần áo Tết cho chính mình”.

Mặt hàng túi xách bán có “chạy” hơn tí, nhưng chị Lê Huỳnh Như (18 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết, sức mua cũng không bằng các Tết năm trước. “Dù túi xách cái cao giá nhất cũng chỉ 200 ngàn đồng nhưng không dễ để bán được”- chị Như kể.

Chưa nhận được lương tháng trong khi tiền thưởng tết không có, chị Phạm Thị Hải phải vay mượn bạn bè cùng dãy trọ để sắm đồ. “Đi mua đồ sớm mới hy vọng tìm được đồ đẹp và rẻ cho con, chứ để đến gần Tết mới sắm sợ đắt quá, không đủ tiền mua” - chị Hải bộc bạch.

MỚI - NÓNG