Thuốc nào chữa quá tải cho bệnh viện ở Hà Nội?

Nhìn cảnh bệnh nhân nằm thế này, Bộ trưởng Y tế không khỏi chạnh lòng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nhìn cảnh bệnh nhân nằm thế này, Bộ trưởng Y tế không khỏi chạnh lòng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP - Bộ trưởng Y tế đề xuất sử dụng những bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội làm vệ tinh cho các bệnh viện lớn. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất di dời ngay các bệnh viện chữa bệnh truyền nhiễm.

> Kinh hoàng nhà vệ sinh bệnh viện, trường học
> Nan giải bài toán quá tải bệnh viện
> Những giấc ngủ 'vật vã' trong bệnh viện

Nhìn cảnh bệnh nhân nằm thế này, Bộ trưởng Y tế không khỏi chạnh lòng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nhìn cảnh bệnh nhân nằm thế này, Bộ trưởng Y tế không khỏi chạnh lòng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

San bệnh nhân BHYT về tuyến huyện

Tại các bệnh viện chuyên khoa của Hà Nội, công suất sử dụng giường bệnh quá tải lên tới 120%. Nguyên nhân được chỉ ra là do hệ thống tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu, số giường bệnh tăng thấp so với sự gia tăng dân số, nhiều bệnh viện xuống cấp.

Tại cuộc thảo luận chiều qua giữa lãnh đạo Bộ Y tế với lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng có một thực tế đang tồn tại là các bệnh viện hạng 1 và 2 nhận khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế nhiều quá. Chính vì thế góp phần làm những bệnh viện này quá tải.

Theo Bộ trưởng những bệnh viện tuyến huyện đã được đầu tư cho giường bệnh, cán bộ nhưng không hoạt động hết công suất sẽ lãng phí. Bộ trưởng gợi ý hai bên sẽ hoạt động theo phương thức hợp tác dưới thương hiệu của bệnh viện lớn hơn. Tuy nhiên, ngành y tế Hà Nội chưa thể đưa ra câu trả lời. Do đó để giảm tải cần san bớt đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế về tuyến huyện, vì hiện nay đã có một số bệnh viện huyện của Hà Nội làm tốt việc khám chữa bệnh.

Cảnh đông đúc chật chội tại phòng điều trị tim mạch tổng hợp C5 của Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cảnh đông đúc chật chội tại phòng điều trị tim mạch tổng hợp C5 của Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Kiến nghị mời tư nhân đầu tư cơ sở 2

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - GĐ Bệnh viện Nhi T.Ư đề nghị TP Hà Nội và Bộ Y tế có kế hoạch xây dựng bệnh viện chuyên về sơ sinh để giảm bớt tình trạng dồn ứ như hiện nay. Về vấn đề xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viện lớn tại ngoại thành để giảm tải nội đô, GS.Liêm thừa nhận quá trình xin phép để được cấp đất xây dựng bệnh viện là đoạn trường khó khăn.

Ông đề xuất, cơ sở 2 của các bệnh viện nên được góp vốn từ nguồn xã hội hóa với sự đầu tư của tư nhân.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định để giảm tải cho các bệnh viện lớn đóng trên địa bàn Hà Nội hiện nay, về lâu dài cần xây mới các bệnh viện ở ngoại thành. Bên cạnh đó cần có lộ trình đầu tư từng bước để mở rộng các bệnh viện nhưng phải tính tới yếu tố thuận tiện giao thông.

Trước mắt TP Hà Nội đề xuất bổ sung giường bệnh các tuyến đặc biệt, các bệnh viện tuyến thành phố; bố trí đủ giường bệnh điều trị nội trú theo kế hoạch, khuyến khích mở rộng kê thêm giường, thu hút giường bệnh xã hội hóa đảm bảo yêu cầu điều trị.

Ngoài ra tăng thu hút nguồn vốn đầu tư cho y tế, chú trọng tăng nguồn xã hội hóa, ưu tiên đầu tư xây mới các bệnh viện với 1450 giường bệnh đối với nhóm bệnh viện Đa khoa Hà Nội, Nhi Hà Nội 500 giường; Đa khoa Mê Linh 1.000 giường; Đa khoa miền núi Ba Vì; Đa khoa Gia Lâm... Cải tạo và nâng cấp để tăng thêm 1.550 giường bệnh cho các bệnh viện đa khoa thành phố, huyện và bệnh viện chuyên khoa.

Ông Thảo cho biết việc di dời các cơ sở y tế trong khu vực nội đô được tập trung chủ yếu vào các cơ sở khám chữa bệnh truyền nhiễm như bộ phận điều trị lao phổi thuộc Bệnh viện phổi Hà Nội, Trung tâm phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông.

Về lâu dài để phát triển hệ thống y tế thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cụm y tế chuyên sâu, Hà Nội sẽ xây dựng 5 cụm tổ hợp công trình y tế đa chức năng có tầm cỡ quốc tế tại khu vực Gia Lâm- Long Biên, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, và Sơn Tây.

Bộ trưởng Y tế:

Nếu đi khám tôi cũng không chịu nổi

Sáng qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát tại một số cơ sở y tế tại Hà Nội.

Trạm y tế thị trấn Cầu Diễn nằm giữa khu dân cư đông đúc đạt chuẩn quốc gia nên rộng và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị đảm bảo công tác khám chữa bệnh ban đầu, một số máy móc hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế tốt. Thế nhưng, hơn 11 tháng qua chỉ có chưa tới 4.000 lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh. Mà phần lớn những người tới khám mắc bệnh mãn tính.

Ông Nguyễn Văn Phi, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Từ Liêm cho biết thực trạng của trạm y tế Cầu Diễn không phải là cá biệt. Cả 16 trạm y tế trên địa bàn huyện đều như thế.

Tới thăm bệnh viện Saint Paul, bà Tiến thắc mắc tại sao bệnh viện hạng một của Hà Nội lại không bằng một bệnh viện tỉnh khi phải ghép khoa Hồi sức với khoa Cấp cứu, khoa tim mạch ghép với khoa Hô hấp.

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Saint Paul cho biết, bệnh viện thường xuyên điều trị nội trú cho bệnh nhân với lượng quá tải từ 100-200%. Tại các khoa xét nghiệm luôn trong tình trạng 150%- 200%. Một bệnh nhân chia sẻ với Bộ trưởng về việc phải đợi 6 tiếng đồng hồ mà chưa tới lượt khám bệnh. Bộ trưởng Tiến nói: “Nếu tôi đi khám với tình cảnh như thế thì cũng không chịu nổi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).