Thuốc lú

Minh họa: Đỗ Phấn.
Minh họa: Đỗ Phấn.
TP - Ả co chân lên ghế, giấu hai bàn tay vào kẽ đùi cho ấm, xem ti vi và chờ cơm. Thằng con ả nghịch suốt buổi tối, hai mẹ con mệt nhoài. Nó lăn ra ngủ còn ả ngồi chờ cơm.

Lại cái gương. Cái gương to đùng treo kín một bức tường ngày nào cũng trêu ngươi ả. Cái con người nhỏ bé, đen đúa, gầy guộc, còi cọc trong gương, trưa nào, tối nào cũng nhìn ả thở dài. Bao nhiêu lần ả định bỏ nó đi nhưng không biết treo vào chỗ nào. Căn nhà hai chục mét vuông chứa ba con người với trăm thứ bà rằn lổn nhổn. Cái gương là để che giấu sự chật chội, ngột ngạt. Và chính nó lại phơi bày ngồn ngộn cái sự xuống mã đến thảm hại của ả. Ngày trước ả trắng trẻo, trẻ trung mơn mởn như đóa lan rừng. Ả đẹp. Và kiêu căng. Ngạo mạn. Ả là kẻ có tài. Và sĩ! Ả coi khinh lũ trai tơ chỉ biết nhả những lời đường mật. Ả phớt lờ cả lũ công tử bột giàu sang sẵn sàng nướng cả cây vàng chỉ để ả mang cho lũ trẻ con nghèo lấy tiền đi học. Ngày trước ả cũng vì nghèo nên không được học hành đễn nơi đến chốn, rút cục cũng chỉ  biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Rồi ả leo lên xe hoa với hắn - Một người đàn ông hơn ả 12 tuổi và theo suy nghĩ của ả, hắn mới đích thị là đàn ông - đứng đắn, lịch lãm, một người đàn ông biết tự lập từ nhỏ. Hắn đã phải vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền từ khi còn học phổ thông, vậy mà rồi hắn cũng giật được cái bằng Đại học, riêng khoản này thì hắn hơn đứt ả. Ả phục hắn, nể hắn. Với ả, hắn là một thần tượng.

Khốn kiếp! Cái đồng hồ lao vun vút. Ti vi mới chiếu được nửa bộ phim mà đã mười giờ. Mâm cơm lạnh tanh. Đầu óc ả lại sôi lên sùng sục. Ăn thôi! Đợi làm gì! Lại ngất ngưởng ở đâu rồi! Thời nay làm ăn phải thế! Mà làm ăn cái quái quỷ gì giờ này nhỉ? Những kẻ làm ăn trong sáng, lành mạnh, những mối thâm tình tri kỷ tri âm đâu cần phải mò mẫm đêm hôm như thế này nhỉ? Hay có chuyện gì bất trắc? Hay hắn ngã xe? Uống rượu vào mà đi xe máy thì tai nạn là chuyện thường tình. Lòng ả lại rối lên, ruột gan như có lửa đốt. Thôi đã đợi đến bây giờ rồi. Cố thêm tí nữa... Đợi!

Ả đợi. Và trong đầu ả lại đọc lại những bài văn viết sẵn trong đầu nhưng chưa lần nào có cơ hội đọc cho hắn nghe. Bài văn thế này: "Anh à, anh ngồi xuống cho em thưa câu chuyện. Em mệt mỏi quá! Sự cam chịu và chờ đợi của em gần như đã cạn. Em cần có thêm dầu để ngọn lửa tình yêu trong em, trong anh sáng mãi, đủ ấm cho anh, cho em, cho gia đình bé nhỏ của chúng mình. Anh biết không, một ngày của em cũng nhiều việc như là anh vậy. Thời gian nghỉ ngơi của em là những lúc ngồi đợi cơm anh. Đợi đến cồn cào...".

- Mẹ ... ẹ ẹ ẹ ... thằng bé giật mình dậy khóc nhè. Ả lao vội vào giường. Mỗi lần nghe con ả khóc, không hiểu sao ả cứ giật mình thồn thột, cứ như chậm một tí là nó khóc hết hơi vậy. Đêm rồi, ả sợ nó ngủ dở giấc lại quấy khóc nhiều. Ả sợ nó thức dậy thấy ả chong đèn chờ cơm bố, nó lại thức theo. Ả nói dối nó bao nhiêu lần rồi, rằng ả đang xem phim. Nhưng hôm nay, ti vi họ chúc ngủ ngon từ lâu lắm rồi cơ mà, nói dối sao được, mẹ mà nói dối con, khác nào dạy con thành người gian dối. Ả chui vào chăn ấm, ấp người vào thằng bé, một luồng hơi ấm nồng nàn lan tỏa. Thằng bé cựa mình nép vào lòng ả, quờ tay lên ngực mân mê bầu sữa mẹ. Nó chắc mình đang nằm gọn trong lòng mẹ, lại thiêm thiếp ngủ. Ả nghe tiếng nó thở đều đều, êm ái, ngập tràn hạnh phúc. Ả lại nhớ hắn, giá mà hắn đang ở nhà. Được chứng kiến cảnh thằng nhỏ trong lòng ả như gà con trong vòng cánh mẹ chắc hắn sẽ phát thèm, sẽ ghen tị với ả, sẽ tranh được ôm thằng nhỏ... mà không, hắn sẽ ôm cả hai mẹ con ả vào lòng, cả nhà lại rúc rích những tiếng cười ấm áp...

Nhưng hắn vẫn chưa về!

Có tiếng xe máy đang tiến đến gần. Ả nín thở chờ đợi, chắc đây rồi, tiếng xe càng lúc càng gần, hơi khác tiếng xe mọi ngày một chút. Hay là hôm nay hắn đi sửa xe nên về muộn nhỉ? Hay là... Tiếng xe máy lại xa dần, xa dần... Im lặng. Những phút giây im lặng hiếm hoi trong đêm ở khu phố đầy rẫy những tụ điểm ăn chơi này làm ả muốn nghẹt thở. Lại có tiếng xe đang đến gần, gần lắm, lần này thì đúng là tiếng xe của hắn rồi. Tiếng xe nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn. Và ả căng màng nhĩ ra để chờ nghe tiếng gọi ngọt ngào của hắn. Một giây, hai giây, ba giây,..., bốn giây, năm giây, sáu giây,... lâu thế nhỉ, mọi ngày ả chỉ đếm đến hai là đã thấy tiếng hắn gọi thẽ thọt ngoài cửa. Và lần nào cũng vậy, cho dù bực bội đến đâu, nghe tiếng gọi của hắn là bao con sóng giận hờn chất chứa trong lòng ả bay vèo vào thinh không, để lại một con mèo hiền lành, ngoan ngoãn, khẽ liếm lên đôi bàn tay lạnh giá của chủ mình để xua đi phần nào giá lạnh cho chủ nhân sau một chặng đường dài. Hắn bảo, ả bị trúng bùa mê thuốc lú của hắn... Nhưng lần này thì không đời nào, quyết không thể nhún nhường được nữa! Nếu mình không đấu tranh, mình sẽ không bao giờ thoát khỏi tình trạng bế tắc như thế này, mà không thoát khỏi bế tắc cũng có nghĩa là mình sẽ không còn đủ kiên nhẫn để duy trì sự sống cho mình, cho gia đình của mình... Tại sao hắn luôn tự cho mình cái quyền được đi sớm về muộn, được thoát ly khỏi mọi việc gia đình. Ừ thì hắn bận, bận công việc thì không ai trách được hắn. Ả đã mất công thanh minh cho hắn bao nhiêu lần khi cưới cô em ruột của ả mà hắn không có mặt, hắn bận Công Tác. Và nữa, bà ngoại hắn mất, ông nội của vợ hắn, tức là ông nội của ả qua đời, hắn cũng không có mặt, tất cả vì... Bận Công Việc. Công việc của hắn là gì? Ả là một cô gái quê mùa, suốt ngày đầu tắt mặt tối với ruộng đồng gà vịt. Ả không có thói quen sục sạo vào công việc của hắn. Mà ả cũng chẳng có thời gian để sục sạo. Ả theo hắn về thành phố, làm tạp vụ ở một xí nghiệp gạch ngoài ngoại thành, cách nhà hơn nửa giờ đạp xe, với đồng lương không bằng số lẻ của hắn. Hắn bảo đi làm cho vui. Nhưng cho vui không có nghĩa là thích thì làm không thích thì thôi. Ả đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Cả xí nghiệp, ai cũng quý mến ả, ai cũng khâm phục sự nhiệt tình, trách nhiệm của ả... Người ta cử ả đi học thêm nâng cao trình độ. Hắn bảo, đàn bà thì cần gì... Ả ngoan ngoãn nghe lời hắn, mải miết với việc công, việc nhà... hầu như cả ngày ả không có thời gian để buồn, để ngắm vuốt, chải chuốt cho mình. Nhưng cứ đêm đến, những đêm dài triền miên, triền  miên... 

Nước mắt chan chan trên má, giàn giụa lên gối. Ả sợ tiếng nấc làm thằng bé thức giấc. Ả ấp chăn thật chặt quanh thằng bé, khẽ rút chân ra khỏi chăn rồi bước ra cửa. Ả ép mặt vào tấm kính mờ. Nhìn ra đường. Nghe ngóng. Nhà bên, chị hàng xóm đang gỡ áo khoác ra khỏi đôi vai của anh chồng vừa đi làm ca đêm về. Ả thở dài! Ngao ngán nhìn ra phía xa và lại lắng tai nghe tiếng xe máy đang tiến đến mỗi lúc một gần... một xa...

Đường phố vắng tanh vắng ngắt, mấy cái lá vàng khẽ tách mình khỏi vòng tay mẹ chao lượn trong không trung. Đêm càng lúc càng vắng, ánh đèn đường vàng vọt ném vun vút những tầng tầng, lớp lớp xác thiêu thân xuống nền đường lạnh giá. Tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng rời rạc, ném vào thinh không, ném vào tim ả những âm thanh nặng nề, khô khốc. Ả rùng mình, cái rét ở đâu luồn vào người ả, vào đến tận chân tóc, đến từng thớ thịt. Ả muốn chạy nhảy, muốn gào thét, muốn mở toang lồng ngực để hít thở, ngôi nhà này đã giam hãm ả. Ả nhìn thấy một con ác quỷ lao ra từ góc tường, nơi cái gương cố tình tạo ra một không gian giả tạo cho ngôi nhà. Nó lăm lăm trong tay thanh mã tấu. Nó chạng chân giữa cửa. Chỉ cần có một con sâu lọt vào khe cửa nó sẽ nhảy bổ ra, vồ lấy và xé xác cho hả giận. Ả lẩm nhẩm trong đầu những lời sẽ nói với hắn ngay khi hắn bước chân vào bên trong cánh cửa kia... Anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Anh có biết tôi đã chờ đợi anh như thế này bao nhiêu đêm rồi không? Anh đã lợi dụng tình yêu của tôi. Anh đi sớm về khuya mãi thế này, nếu không phải  vì những trò đồi bại thì vì cái gì? Vì có việc đột xuất ư? Ngày nào cũng đột xuất, chẳng lẽ là cử nhân như anh mà lại để công việc nó điều khiển, nó trói buộc anh vậy ư? Để có tiền thoát khỏi cái căn nhà hai chục mét vuông tồi tàn chật chội này mà anh phải mò mẫm đêm hôm đến nỗi quên cả vợ con, gia đình, anh em, họ hàng, làng xóm... thế có đáng không? Có bao giờ anh nghĩ, khi anh có được nhà lầu xe hơi thì vợ con anh chỉ còn là những cây tầm gửi bám vào anh để duy trì sự sống, thậm chí, anh không nghĩ rằng tôi sẽ mang thành quả lao động của anh đi mua lấy sự chăm sóc ân cần chu đáo từ ngàn vạn những người đàn ông khác hay sao? Hay anh đã có chăn êm đệm ấm ở nơi khác rồi? Tốt thôi, vậy thì anh hãy sẻ mình làm đôi đi, tôi chỉ cần cái nửa làm bố trong anh cho thằng nhỏ không bị thua bạn kém bè mà thôi... Người ả toát mồ hôi hột. Đôi mắt ả sáng quắc lên, phen này ả sẽ quyết tâm làm cho ra nhẽ, muốn sao thì sao. Ả muốn hắn về ngay bây giờ, chỉ cần nghe tiếng xe hắn xịch trước cửa, ả sẽ xông ngay ra mà nói cho bõ tức, không thèm để cho hắn kịp thanh minh, cũng không thể để hắn cất lên tiếng gọi thẽ thọt như mọi ngày...

Và ả lại lắng tai nghe ngóng. Từ xa, xa lắm, có tiếng xe máy kêu to dần, to dần, tan vào hư không... rồi lại kêu... lại tan...  Chân tay rủn rả. Ả chợt nhớ ra mình đã đói quá rồi. Tại sao mình lại phải khốn khổ như vậy nhỉ? Sao mình không tự lo cho cái thân mình trước đã, không có sức khỏe thì làm sao có thể đấu tranh được với hắn. Mà tất cả là tại ả. Ai bắt ả phải đợi hắn. Mà tội gì phải đợi. Ả đã tự đày đọa mình. Khốn khổ cho ả. Suy cho cùng, vì ả không biết thích nghi với hoàn cảnh nên ả khổ. Thôi kệ, mặc xác hắn. Ả cần ăn để sống vì ả và vì thằng nhỏ. Ả mở lồng bàn, xúc một thìa cơm vào bát, chan ngập nước rau luộc, lấy thìa múc lên, nhắm mắt nuốt. Một dòng nước mát êm đềm chảy trong lòng ả. Có tiếng gõ cửa. Ả giật mình đánh rơi bát cơm xuống đất. Tim ả đập thình thịch, toàn thân run bắn. Ả sợ. Cửa giả ọp ẹp thế này, lỡ trộm cướp nó lao vào bắt con ả thì sao. Phải làm gì bây giờ? Ả nín thở. Rón rén đi về phía thằng con ả đang nằm.

- Em yêu! Anh về rồi! Em mở cửa cho anh được không! ...

Và ả đã lại bị trúng bùa mê thuốc lú của hắn. Bởi vì chỉ một phút sau tiếng gọi ngọt ngào, thẽ thọt ấy, căn nhà đã tối om. Khu phố vẫn vẹn nguyên vẻ yên bình của một đêm mùa xuân dịu ngọt.  

Thuốc lú ảnh 1Tâm trạng của một người vợ, những xung đột trong nội tâm của nàng: Tình yêu, nỗi ám ảnh thiệt thòi thân phận nữ giới, ước muốn quật khởi, mong muốn được an bình… tất cả diễn ra đầy giông bão nhưng hoàn toàn yên lặng. Trước đây, Ý Nhi đã vẽ nên một “Người đàn bà ngồi đan”, thì hôm nay, Vũ Thanh Lịch lại vẽ một người đàn bà ngồi chờ chồng, cũng yên lặng như nhau nhưng tâm thế bên trong thì đã khác xa rồi.

Vũ Thanh Lịch là cây bút đáng kể ở Ninh Bình, và không chỉ ở đó.               

L.A.H

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.