Lấp đầy chỗ trống

Minh họa: Tuấn Tú
Minh họa: Tuấn Tú
TP - Tám giờ sáng, tôi rời nhà. Trưởng phòng báo sáng nay chín giờ họp. Nhà tôi cách cơ quan gần hai chục cây số. Nếu đi khá nhanh giữa trưa, không gặp bất kì trở ngại nào mất 35 phút. Đi bình thường, không tắc đường, 45 phút. Giờ cao điểm, gặp nhiều đèn đỏ mất hơn một tiếng. Hôm nay tôi nghĩ chắc đến sẽ sát thời gian họp.

Đường ngoại thành ít cảnh sát giao thông. Thấy đèn xanh phía trước, tôi tập trung cao độ phóng đến. Hừ, không kịp! Tôi phanh kít đèn đỏ. Nhưng mặc đèn đỏ, mọi người cứ lao rầm rầm vì không xuất hiện cảnh sát giao thông. Hai luồng xe đan xen điệu nghệ. Nhiều khi luật pháp phải thua luật sinh tồn. Ai chả sợ chết, nên người ta tự tránh nhau, chả cần can thiệp? Tôi đứng lại chờ đèn xanh thì thành một sự cản trở giao thông, đành phi tiếp.

Gần phố chính, đường đông hơn, tôi giữ tay ga, tay phanh chừng mực. Đó là thời gian ngắm nghía hàng hóa giăng đầy mặt phố và các kiểu quảng cáo bắt mắt. Chẳng phải muốn thưởng lãm gì nhưng mọi thứ cứ đập vào thị giác. Chủ hàng nào chả hướng tới cái đích ấy. Bày biện đẹp, làm cửa kính trong suốt để thu hút mọi ánh nhìn. Nếu là hàng thời trang thì mỗi ngày phải thay cho con “canh”  bộ mới. Ngoài đường ai mải nhìn mà đâm nhau, mặc!

Vừa nghĩ đến đó thì… Xoẹt! Hai xe máy đâm nhau ngã bổ chửng trước mặt. Chú trung niên và chàng choai choai đứng phắt dậy hùng hổ túm áo chửi nhau, giơ tay, đá chân. Tai nạn không sao nhưng đã xúc phạm nhân phẩm nhau thì nhất định phải sao.

Tránh voi chẳng xấu mặt nào, tôi lách qua. Lại đến loạt hàng ăn bốc mùi ngào ngạt. Mùi mắm tôm, mùi nước phở, mùi chiên xào, mùi dầu rửa bát… đan xen tạo thành một phức hợp khó gọi tên. Các kiểu biển đề nối tiếp nhau giăng ra: “Bún bò Nam bộ”, “Bánh cuốn Phủ Lý”, “Phở bò Nam Định”, món Âu, Ý, Nhật, Hàn, Trung... Dường như tâm hồn ăn uống khắp chốn đều tụ về con phố nhỏ này. Chị phụ nữ đổ sọt rau muống ra vỉa hè, lấy dao xén gốc mấy mớ một lúc, rồi xốc xốc lên, cho vào chiếc rổ bên cạnh. Xong! Việc nhặt rau từng cọng hàng bữa của tôi so với công nghệ này hẳn là thuộc thời kì đồ đá. Người phục vụ vớt vội mấy cái bát trong chậu nhựa ngầu bọt chất chồng đồ bẩn. Chẳng kịp nhúng qua nước, anh ta đổ luôn thức ăn vào bát đặt lên bàn cho khách. Hàng nào cũng đông như kiến cỏ, ngồi xít xịt trên vỉa hè, xì xoạp ăn uống.

Phố xá tắc nghẹt vì chỗ này đám ma, chỗ kia đám cưới. Công việc nào cũng nhộn nhịp, nhốn nháo. Bên này cửa hàng quan tài, cạnh đó là studio áo cưới. Sát chỗ bán bàn thờ nhấp nháy đèn nến vàng, đỏ, xanh, tím với đủ các hình rồng, phượng chạm trổ tinh vi là nơi bán băng vệ sinh, bỉm trẻ em, đồ lót phụ nữ. Mải nhìn, tôi vướng phải ổ gà. “Sựt” một cái, dúi về trước. Hú vía, tự dặn mình phải tập trung, tôi dồn mắt vào phía trước.

Cô gái tóc xoăn, vàng óng ả đội chiếc mũ bảo hiểm dởm vỡ toác một nửa, mốc meo. Bên cạnh là bà chị tóc đỏ quạch, cứng khoèo như những sợi thịt bò khô dài quá khổ. Ngồi sau anh chàng đẹp trai trên chiếc xe Sh màu mận. Mặt chị nhăn nhó khó chịu, một tay thọc vào váy để… gãi. Đang trên phố, ai biết ai là ai mà lo chuyện lịch sự hay làm duyên. Anh U 50 đèo em 9X, tay không ngừng sờ nắn bắp đùi trắng nõn của em, thi thoảng ngoái lại thơm chụt. Chợt chiếc xe máy phân khối lớn rồ ga vèo qua khiến ai nấy dạt ra. Chủ nhân là một người to kềnh, dáng đàn ông, nhưng mặc đồ nhũn nhẽo đàn bà, ngồi mà như nhún nhảy trên xe. Các kiểu thời trang đường phố phô diễn sinh động thì mọi thứ bị phủ khói bụi mù mịt vì đằng trước là chiếc xe chở rác to kềnh lừ lừ án ngữ. Nhiều người quyết vượt, nhưng xe rác vẫn thản nhiên, nhờ vào cái uy lực to kềnh của mình. Đành nín thở kè kè ở bên hông nó để chờ cơ hội.

Lại đèn đỏ. Người ta cứ phành phạch xả khói vào mặt nhau. Từ nhà tới cơ quan, tôi qua bảy cái đèn đỏ. Bình thường thì sáng nào tôi cũng mất bảy phút chờ đợi, cả đi cả về là mười bốn phút. Mười bốn phút hít khói bụi/ ngày. Lên cơ quan tôi sẽ search xem cách ngừa ung thư phổi thế nào.

Nhiều người bảo sao tôi không mua nhà gần cơ quan. Hay thật, lương hai triệu lẻ chín chục ngàn mỗi tháng thì bao giờ mới mua nổi nửa mét đất Hà Thành! Có người lạc quan đến nỗi tưởng tôi thích đi làm xa cho… vui! Cũng chỉ tại gái văn phòng váy vóc son phấn óng ả, ai biết kiết xác. Lại nghĩ buồng phổi. Chắc với hoàn cảnh mình, để chống ung thư chỉ còn cách duy nhất là tập thể dục và ăn chay!

Hiện ra trước mắt tôi là công trường đang thi công. Công trường này treo tấm biển: “Xin lỗi đã làm phiền”. Thế là đã lịch sự hơn những công trường khác. Nhưng xin lỗi mà làm gì khi cứ liên tục cuốc ra xây lại, rồi quây lô cốt kín gần hết mặt đường? Xin lỗi để vẫn phạm lỗi liên tục thì xin lỗi cho xong, xin lỗi làm vì à!?

Đường hẹp, mọi người chen chúc lên vỉa hè, băng qua những ổ gà gồ ghề. Tôi cố nhích từng milimet vượt cái xe buýt đang xả khói đen ngòm. Đầu tôi căng ra, thần kinh tập trung cao độ. Tôi cá rằng trên đoạn đường thế này không ai hơi đâu nhớ nhung người yêu hay đau buồn… Rặt chỉ chung một ham muốn là làm sao thoát nhanh. Nắng chói chang, gay gắt… cũng chẳng ai đủ thời gian gạt mồ hôi. Nhích một chút rồi phanh kít. Những đôi mắt lừ lừ căng thẳng. Tôi nhấn ga, hào hứng khi thấy sắp thoát chiếc xe buýt. Nhưng trong nháy mắt tôi nằm giữa khe xe buýt và cái ô tô con. Phía trước đông nghẹt, phía sau người xe ùn ùn. Nếu chiếc xe buýt di chuyển thì chỉ một milimet nữa nó sẽ bắt đầu nghiền nát tôi. Tim đứng khựng.  Chẳng có bất kỳ lối thoát nào, chỉ còn nước cầu nguyện. Nhưng đầu óc lúc ấy rối như tơ vò, tôi không nghĩ nổi lời cầu nguyện gì, cầu nguyện ai. Phật Quan Âm, Đức Như Lai, Chúa Giê su, Thượng Đế, hay ông Trời? Tôi chỉ gào lên cái câu bản năng như lúc sắp đẻ “Ối chồng ơi!” . Đó là lúc chiếc xe buýt chuyển động. Chỉ một milimet mà nó quành được ra. Sống rồi.

Đèn xanh. Dòng người chuồi lên trên, giãn bớt ra. Cơ hội ngàn năm có một, tôi tăng ga vù đi. Tim tôi lần nữa được giải phóng. Một xe thồ chở gỗ, một phụ nữ vác bụng bầu vượt mặt ì ạch dắt hai sọt bưởi nặng trịch, một người lai bình ga cũ to kềnh có thể phát nổ bất cứ lúc nào… cùng đồng hành với tôi. Mỗi lúc trên đường tôi lại cảm giác mình là một chiến binh anh dũng. Thời nào người trẻ chẳng phải tranh đấu, chẳng phải tiến lên. Chúng tôi tranh đấu giữa người và người ngay trên đường. Ai nấy đều nỗ lực lao về phía trước. Dù rằng nhiều khi phía trước của người này là phía sau của người kia.

Xong! 9h kém 5. Chỉ còn năm phút nữa, làm sao băng qua ba cây số? Sếp cảnh báo nếu đi làm muộn lần nữa sẽ không được bình bầu thi đua. Thể nào cái Hà chẳng ghi phắt tôi vào biên bản. Cái Hồng thì có cớ phê bình tôi “vô tổ chức kỷ luật”. Nhà nó gần, lúc nào chả đến sớm nhất. Cần gì phải làm việc, chỉ cần tới lướt web ngắm “sao”, lên facebook “chém gió” cũng đủ… thành tích! Tôi lao như tên bắn.

Đến đèn đỏ thứ năm. Đoạn này được rẽ phải. Không thể đợi, tôi đành rẽ phải, rồi thừa lúc anh cảnh sát ngoảnh đi, rẽ phải tiếp. Nghĩa là không vượt đèn đỏ đi thẳng là được, còn vượt đèn đỏ để đi quành một tẹo thì vô tư. Luôn luồn lách thì kiểu gì chả sống! Để kịp cuộc họp, tôi quyết quành vào lối tắt. Xi nhan rẽ phải. Chợt một anh cảnh sát giao thông tuýt còi. Nhìn trước nhìn sau mãi tôi mới ý thức là anh ta gọi mình. Anh buông thõng:

- Đi sai làn.

Rồi chỉ vào cái vạch gạch bên lề đường và giải thích rằng thì phải đi vào đó rồi mới xi nhan, chứ không phải đi giữa đường mà rẽ oạch sang. Giờ tôi mới hiểu ý nghĩa của cái vạch đó. Thế mà trước đây khi thi lấy bằng lái xe chẳng ai bày cho. Người ta chỉ nhanh nhanh lấy tiền, vội vã thi, rồi cấp bằng. Tôi nói:

- Người ta đi giống em đầy kia sao anh không bắt, lại bắt em?

- Thì tôi đang bắt đây. Mời cô xuất trình giấy tờ.

Tôi tái mặt nhưng vẫn kiên quyết cãi:

- Đi sai làn đường ở Hà Nội có mà bắt cả phố. Đầy đoạn người ta còn trèo lên vỉa hè, chen lấn nhau, sao anh không bắt?

Anh cảnh sát cáu:

- Cô hay nhỉ? Ăn bát cơm phải ăn từng miếng chứ chả nhẽ tọng cả bát vào miệng một lúc được à? Chúng tôi phải giải quyết từ từ.

Tôi dở hết trình  độ hùng biện ra để chứng minh đây chỉ là vạch kẻ đường để dân được linh hoạt xử lý tình huống giao thông, nếu không người ta đã làm tấm ngăn bằng sắt, bằng bê tông để không thể rẽ sang. Tôi tranh thủ móc mỉa rằng luật pháp cứng nhắc, rồi các anh tranh thủ để tăng nguồn thu thực hiện chỉ tiêu, chứ phạt thế này chẳng giải quyết được gì về chiến lược giao thông…

- Cô nói nữa tôi sẽ phạt thêm vì tội chống người thi hành công vụ.

Tôi đành nhượng bộ dắt xe vào vỉa hè xuất trình giấy tờ, và chuyển sang van vỉ:

- Em biết lỗi rồi. Anh châm trước bỏ qua để em sửa sai dần. Mẹ em đang nằm viện, nên phải đến ngay, anh làm ơn làm phước, thương cho.

Người cảnh sát lạnh lùng xem xong giấy tờ, nói:

- Bảo hiểm xe quá hạn hai ngày. Lỗi của cô bị phạt 600 ngàn. Nhưng tôi châm trước chỉ phạt lỗi đi sai làn là 200. Cô muốn nộp ở đây hay ra kho bạc?

Tôi choáng. 200 ngàn à? Trong đầu tôi hiện lên tờ 500 ngàn duy nhất trong túi mình. Đó là tất cả ngân quỹ của gia đình mà sáng nay tôi mang theo định để mua sữa cho con. Tôi cố xin xỏ:

- Anh làm ơn làm phước, mẹ em đang đợi. Nói thật là em không có tiền.

Anh cảnh sát bực bội lôi phắt tập giấy tờ ra viết:

- Tôi cho cô một lỗi, chỉ nộp 200 mà không biết điều. Tạo điều kiện nộp phạt ở đây còn được voi đòi… Hai Bà Trưng! Ra kho bạc!

Tôi hốt hoảng:

- Anh ơi, anh làm ơn đi. Em xin anh đấy.

- Tôi làm công vụ, không ơn huệ.

- Thì đây em xin nộp.

- Không nộp niếc gì ở đây hết. Tôi đã viết giấy rồi. Ra kho bạc!

- Anh hủy giấy đi.

- Chuyện đùa với cô đấy hẳn? Chúng tôi làm ra giấy không phải để hủy.

- Sao anh lại nói hai lời như thế. Anh vừa bảo tạo điều kiện cho em rồi lại tống em ra kho bạc?

Anh ta không nói nữa. Đưa giấy nộp phạt, bắt tôi ký. Tôi không ký. Anh ta thách thức:

- Thế thì cứ để xe và giấy tờ ở đây.

Giống như con mồi sa màng nhện, càng quậy càng bị xiết. Biết chẳng còn cách nào khác tôi lại phải mềm dẻo để xin được ký. Anh ta đưa tôi ký giấy nộp phạt như ban ân rồi lừ lừ bực bội.

Tôi tới cơ quan lúc 10h20. Cửa phòng họp khóa chặt. Tiêu! Trên đời này đâu chỉ một lần chết. Đụng xe - chết, gặp cảnh sát giao thông - chết, bị phạt - chết, đi muộn - chết, không được bình bầu thi đua - chết, ung thư phổi – chết, bị bệnh trĩ mà phải ngồi trên đoạn đường xa như tôi suốt ngày tháng – chết... Đằng nào chả chết! Nhưng trước lúc tắt thở thì tim người ta phải ngừng đập không biết bao lần. Tôi rón rén lên cầu thang. Chết! Giáp mặt sếp! Ông cầm cặp tài liệu đi xuống, thấy tôi liền giương mục kỉnh ngạc nhiên. Tôi vừa cười cười vừa báo cáo thay cho lời chào:

- Dạ... thưa anh, con em ốm nặng, sốt cả đêm. Em vừa đưa cháu đi bệnh viện về ạ.

Tôi vào phòng làm việc thì được tin sáng nay cuộc họp đã không diễn ra. Anh trưởng phòng lừ lừ bảo:

- Nói họp mà gần 10 rưỡi mới tới. Không bảo thế có mà lặn mất tiêu à!

Tôi thở phào. Rồi uất. Hóa ra trưởng phòng nghĩ ra cái kế “thúc đít” nhân viên đi làm đúng giờ bằng cách ban lệnh họp giả. Giá như không quá vội liệu tôi có đi sai đường để rồi bị phạt? Cơ quan làm lúc 8 giờ sáng, liệu có mấy người đến được đúng giờ, mà đến đúng giờ rồi thì làm gì? Vì thực ra loại cơ quan của tôi chẳng có  việc gì rõ ràng cả. Ngồi vào bàn làm việc, trưởng phòng nhắc nhở về sự “tập trung”. Tôi biết tập trung thế nào khi tất cả tinh anh đã dồn trọn trên đường tới đây. Khao khát duy nhất lúc ấy của tôi là được chợp mắt một chút, được ăn, được uống, được đi toilet. Nhưng việc đầu tiên tôi vẫn phải đút chân vào gầm bàn cho phải đạo, rồi căng đầu, căng mắt làm chân trí thức sai vặt. Mọi phát minh sáng chế tính sau. Lại còn chặng đường trở về vào buổi chiều nữa. Không lo chuẩn bị hồi sức ngay bây giờ tôi sẽ gục bất kỳ lúc nào.

 Thế giới cứ phẳng ở đâu đó. Còn nơi đây, chúng tôi luôn phải đến cơ quan, lấp đầy các chỗ ngồi. 

Lấp đầy chỗ trống ảnh 1

Nhiều người phải chịu đựng những khổ sở khi đi đường nhưng không nhiều người dùng nó như một chất liệu văn chương. Huệ Ninh đã sử dụng giọng văn phóng sự để làm nên một thiên truyện ngắn rất hóm. Đặc biệt, cái kết khiến cho câu chuyện được nâng tầm mà không cần phải đao to búa lớn. Cuộc sống đường phố hỗn độn hóa ra liền kề với cuộc sống lòe loẹt, vờ vịt nơi văn phòng.

Huệ Ninh là người viết kịch bản phim có tay nghề đã được khẳng định. Chị đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn được chú ý.

L.A.H

MỚI - NÓNG