Hứa xử lý nghiêm
Tại buổi họp báo chiều 22/7 về vụ 3 cán bộ thanh tra giao thông nhận hối lộ với số tiền gần 3,5 tỷ đồng từ các hãng xe, doanh nghiệp, ông Trịnh Ngọc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ nói: “Lúc 3 Thanh tra giao thông bị bắt chúng tôi rất bất ngờ. Số tiền lớn như vậy (gần 3,5 tỷ đồng – PV) chúng tôi cũng bất ngờ. Chúng tôi đã tiến hành họp các phòng ban của Thanh tra giao thông để rà soát và chấn chỉnh. Tôi cảm thấy bất ngờ vì trước giờ Ban giám đốc chưa nắm được thông tin cán bộ Thanh tra giao thông nhận hối lộ”.
Còn Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ, ông Lư Thành Đồng nói: “Quan điểm của tôi là không bao che, dung túng, cá nhân nào sai phạm tùy theo mức độ sẽ xử lý đúng theo pháp luật, đúng người, đúng tội”.
Trước mắt, Ban giám đốc đã phân công lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT điều hành Đội 3 và Đội 11 để ổn định tình hình công tác nội bộ, đảm bảo duy trì hoạt động. Sở GTVT còn báo cáo Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ về tình hình công chức, viên chức sai phạm tại Thanh tra Sở. Đồng thời, Sở GTVT còn tiếp tục báo cáo với cấp trên về diễn biến tình hình và tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để xem xét, giải quyết các trường hợp trên theo đúng quy định pháp luật.
“Do sự việc mới xảy ra, chúng tôi đã họp để chấn chỉnh, chưa thể kết luận hay đánh giá. Về quan điểm, sai phạm đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng tội. Trong tuần tới có thông tin tiếp theo từ cơ quan điều tra, chúng tôi tiếp tục xử lý theo quy định”, Phó giám đốc Vĩnh trả lời khi được hỏi về trách nhiệm của Ban giám đốc và Chánh Thanh tra Sở GTVT trong vụ việc đồng thời khẳng định việc bổ nhiệm 3 cán bộ bị bắt vừa qua thuộc về công tác tổ chức, cũng có các bộ phận chuyên môn.
Ai tiếp tay cho Thanh tra nhận hối lộ?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ cho biết, ngoài 3 thanh tra giao thông bị bắt về hành vi nhận hối lộ với số tiền gần 3,5 tỷ đồng, công an còn bắt một đối tượng ngoài ngành giao thông là Nguyễn Văn Cần, 29 tuổi, ngụ tại xã Tân Lộc (Tam Bình, Vĩnh Long).
Theo Đại tá Hạnh, đối tượng Cần chính là môi giới, đi gom tiền bảo kê của các doanh nghiệp rồi giao nộp cho Thanh tra giao thông. “Chủ mưu trong đường dây nhận hối lộ thì chưa xác định được vì đang mở rộng điều tra. Hiện các bị can khai có liên quan rất nhiều người. Còn đối tượng Cần đã xác định là người không có nghề nghiệp ổn định, gia đình làm ruộng nhưng lại câu kết được với một số cán bộ Thanh tra giao thông để gom tiền bảo kê doanh nghiệp”, ông Hạnh nói và cho biết đường dây này hoạt động hết sức tinh vi, lấy tên giả để mở tài khoản. Như đối tượng Nguyễn Văn Cần, ngoài tên thật, còn sử dụng 2 tên giả là Nguyễn Hữu Lợi và Phạm Hoàng Minh để mở 3 tài khoản tại ngân hàng Sacombank ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Sau khi nhận tiền trong tài khoản, Cần rút ra và đưa cho Thanh tra giao thông. Số tiền trong 3 tài khoản nói trên sau khi xác minh là trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra giao thông nhận “tiền tươi” trên 100 triệu đồng.
Theo đại tá Hạnh, đường dây này thu tiền của hầu như tất cả các loại xe chở vật liệu xây dựng, xi măng, nước đá… thuộc khoảng 50 - 60 doanh nghiệp có tên tuổi ở Cần Thơ. Ngoài ra, còn nhiều loại xe khác ở Cà Mau, Vĩnh Long, Bạc Liêu khi đi ngang địa bàn các quận của thành phố Cần Thơ cũng bị thu tiền. Ví dụ như xe đi ngang quận Ninh Kiều thì đóng tiền cho “cò” ở đây, còn đi sang quận Ô Môn, Bình Thủy… mỗi đầu xe nộp từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng, tùy tuyến đường.
Nếu doanh nghiệp không đưa tiền, Cần sẽ điện thoại cho thanh tra giao thông tới bắt. Thậm chí chủ phương tiện đưa tiền trễ 1 – 2 ngày là bị làm luật, bị Thanh tra xử phạt nặng. Sau khi nhận được tiền, Cần rút tiền từ thẻ ATM giao trực tiếp hoặc chuyển khoản cho “tay em”, những người này do chính Thanh tra thuê nhận tiền rồi mới đưa lại cho Thanh tra. Cũng có trường hợp chính cán bộ thanh tra trực tiếp đi gom tiền như Đội phó Đội 3 Lý Hoàng Minh...
Bộ GTVT nói về tiêu cực trong ngành
Trao đổi với Tiền Phong chiều 22/7, ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hằng năm, qua công tác thanh tra, Thanh tra GTVT trên toàn quốc đã phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công vụ, còn có một số trường hợp người làm công tác thanh tra không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Thanh tra ngành GTVT.
Ngày 21/7, Thanh tra Bộ GTVT có Văn bản gửi Thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành GTVT tăng cường các biện pháp phòng, chống tiêu cực. Ngoài ra, ngành giao thông phải luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trị công tác theo quy định; đẩy mạnh công tác kiểm tra nội bộ, trong đó tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo đúng quy định.
Ngọc Mai