Đại diện BQL Khu CNC Hòa Lạc cho biết, sau khi UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận, Ban Quản lý đã rà soát các nhiệm vụ đã và đang thực hiện trong thời gian thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp quy, các quy định của UBND thành phố Hà Nội. Ban đã trình ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ban và đang xây dựng và trình UBND thành phố Đề án Phát triển Khu CNC Hòa Lạc đến năm 2025, giai đoạn 2026-2030.
Theo BQL Khu CNC Hòa Lạc, để thu hút các nhà đầu tư và đãi ngộ nhân tài đến với Khu CNC Hòa Lạc, tiếp tục thúc đẩy việc phát triển Khu CNC Hòa Lạc sớm trở thành một trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, BQL đã đề xuất những cơ chế, chính sách đột phá hơn nữa trong quá trình tham gia xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, ví dụ như việc đầu tư của nhà nước cho cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ (phòng thí nghiệm mở, xưởng thực nghiệm,…) mà các tổ chức, doanh nghiệp có thể tiếp cận sử dụng chung với mức chi phí hợp lý; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động khoa học - công nghệ; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Khu công nghệ cao Hòa Lạc |
Song song với đó, BQL sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại Khu CNC Hòa Lạc, thu hút đầu tư theo hướng tăng cường hơn nữa chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất đang hình thành tại Khu CNC Hòa Lạc, điển hình là lĩnh vực công nghệ sinh học và lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp/nhà đầu tư và phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo mô hình thành phố thông minh.
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu CNC Hòa Lạc”, dự kiến tổ chức trong tháng 4, mục tiêu nhằm “nâng cánh” cho nơi được coi là “thung lũng silicon” của Thủ đô và cả nước.
Đại diện BQL đề xuất, tại dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi hiện nay chưa có quy định chuyển tiếp để tháo gỡ một số vướng mắc cho BQL trong công tác quản lý và sử dụng đất đai sau khi Luật Đất đai 2024 ban hành, bao gồm các quy định: được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai đã được quy định tại Nghị định số 74/2017/NĐ; được tiếp tục thu hút các dự án nhà ở, nhà lưu trú và hạ tầng xã hội bên trong ranh giới Khu CNC Hòa Lạc như quy định tại Luật Đất đai 2003 và quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; được tiếp tục quản lý và sử dụng quỹ đất khu công nghệ cao đã được UBND thành phố giao và có thẩm quyền giao lại đất, cho thuê đất đối với người sử dụng đất như hiện nay Ban Quản lý đang thực hiện.
Ngoài ra, về Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ đã ban hành được hơn 6 năm, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị định đã được áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay Khu CNC Hòa Lạc đã được chuyển giao về UBND thành phố quản lý, do đó cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74 để bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng, phát triển và quản lý Khu CNC Hòa Lạc trong bối cảnh, tình hình mới và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay cho Khu CNC Hòa Lạc.
130ha cần tháo gỡ để GPMB
Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) tại dự án xây dựng Khu CNC Hòa Lạc, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất thông tin: Diện tích bồi thường và bàn giao mặt bằng trên địa bàn huyện đến hết năm 2023 là 1.279,12ha/1.432ha, đạt 89,3%. Phần diện tích chưa GPMB thu hồi đất là 152,19ha. Trong đó diện tích đất công là 40,68ha, diện tích đất của doanh nghiệp là 8,46ha, diện tích đất của các hộ dân là hơn 100ha. Dự kiến nguồn vốn còn phải phân bổ cho dự án là 1.158 tỷ đồng cho cả công tác GPMB và bố trí đầu tư xây dựng khu đất dịch vụ, đất tái định cư.
Do đó, UBND huyện Thạch Thất kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chuyển nguồn vốn GPMB chưa giải ngân được trong năm 2023 sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện. Đồng thời cho phép UBND huyện đầu tư xây dựng khu đất dịch vụ 9,5ha để giao trả cho các hộ dân xã Hạ Bằng có đất nông nghiệp bị thu hồi giai đoạn 2006 - 2009. Trước đó, các hộ này chưa được nhận đất dịch vụ nên không đồng ý kiểm đếm diện tích đất còn lại.
Theo BQL Khu CNC Hòa Lạc, đến tháng 3/2024, diện tích đã GPMB Khu CNC Hoà Lạc là 1.456/1.586 ha, đạt 91,7. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, công tác bồi thường GPMB Khu CNC Hòa Lạc phải hoàn thành trong năm 2024.