Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, dọc hai bên đường liên xã, bà con lên đồi phát nương làm rẫy trong cái nóng 41 độ C. Thỉnh thoảng gặp từng tốp người còng lưng gùi nứa từ trong rừng ra rồi cưa thành từng khúc bó lại.
Chị Lang Thị Nguyệt, người dân xã Diên Lãm, cho biết, gần đây có người ở thị trấn Tân Lạc vào đặt mua cây nứa để sản xuất hương trầm, bà con các bản làng đua nhau vào rừng chặt nứa nhập cho họ. Công việc rất vất vả, nhưng ngày nào cao lắm cũng chỉ được 20.000-30.000 đồng.
Men theo các tuyến đường mòn vào các bản làng, chỗ nào cũng thấy người dân tìm cách tránh nóng. Vì không có điện nên một số gia đình có điều kiện đã mua tuốc-bin về lắp đặt dưới khe suối, phát điện để thắp sáng.
Ông Lương Thế Hà, người dân xã Diên Lãm, cho hay, do nắng nóng liên tục nên gần đây, nước ở khe, suối khô hạn, không đủ nước để chạy tuốc-bin. Bà con nơi đây chủ yếu dùng nước khe suối để sinh hoạt, nhưng những ngày hè này, do đàn gia súc của các bản làng tìm đến trú nắng, hoặc do trận mưa rừng, nước suối đục ngầu.
Đói thông tin
Cả 3 xã Châu Hoàn, Diên Lãm và Châu Phong vẫn chưa có sóng để liên lạc điện thoại. Nhiều khi công văn của cấp trên gửi vào khi nhận được, ra huyện thì cuộc họp đã xong.
Dọc tuyến đường liên xã, nhà cửa san sát, nhưng không có cái chợ nào. Một số cán bộ địa phương của cả ba xã cho biết, nguyên nhân chính là điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hoá khó khăn, bà con còn nghèo, chủ yếu sống tự cung tự cấp. Mấy năm trước, địa phương có đầu tư xây một khu chợ ở xã Châu Phong, nhưng đến nay công trình vẫn còn bỏ hoang.
Theo ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Châu Phong, cần sớm xây dựng đề án phát triển kinh tế của từng xã, trong đó phải giải quyết được 4 điểm mấu chốt là xây dựng đường giao thông và tuyến điện lưới, xóa các tụ điểm ma tuý hoành hành nhiều năm qua, cải thiện hệ thống thông tin liên lạc và tìm cách đưa chợ bỏ hoang vào hoạt động. Sau đó, phải xây dựng hệ thống nước sạch...