Thực phẩm cuối năm: Nhìn đâu cũng thấy độc hại

Thực phẩm cuối năm: Nhìn đâu cũng thấy độc hại
TP - Chất cấm trên thịt tái xuất; chất kích thích, chất độc trên rau, củ, quả... dịp cuối năm có nguy cơ tăng cao. Có những việc, Bộ trưởng NN&PTNT giao, cấp dưới làm chiếu lệ.

> Hoang mang tin 'giòi' lúc nhúc trong thịt lợn
> Thịt mất vệ sinh và tù mù chất cấm

Thịt chứa chất độc

Tại cuộc họp về an toàn thực phẩm (ATTP) và chất lượng vật tư nông nghiệp hôm qua (9/12), nhiều thông tin lo ngại về thịt, rau, củ quả, được các cơ quan cảnh báo dịp cuối năm. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản cho biết, chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh miền Bắc (đến tháng 11/2013) cho thấy, xuất hiện chất cấm, kháng sinh vượt dư lượng cho phép trên thịt.

Cụ thể, phát hiện 4/54 mẫu thịt gà chứa vi khuẩn Campylobacter spp (loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm); 2/40 mẫu và 4/40 mẫu dương tính lần lượt với 2 chất cấm là Chloramphenicol và Furazolidon (2 loại kháng sinh cấm sử dụng trên chăn nuôi ở Việt Nam); 4/40 mẫu phát hiện thấy kháng sinh Tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép. Theo các chuyên gia, Chloramphenicol rất nguy hiểm, có thể gây ung thư máu, loạn tạng máu, viêm dây thần kinh thị giác, gây hư hại tủy xương...

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Hiền, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, cơ quan này đang phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường-C49 (Bộ Công an), xác minh thông tin liên quan đến một số cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta agonist. Đây là nhóm chất kích thích tăng trọng “bung đùi, nở mông” bị cấm trong chăn nuôi. Ông Hiền nói: “Chúng tôi cũng đang phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp Đồng Nai, Chi cục Thú y Đồng Nai, và C49, làm rõ nguồn gốc cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm Salbutamol (thuộc nhóm Beta agonist)”.

Chặn thực phẩm bẩn từ biên giới

Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Bảo vệ Thực vật (BVTV), cho biết từ ngày 30/10 đến 5/12/2013, cơ quan kiểm dịch đã kiểm tra hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu trên 9.000 lô (gần 690 ngàn tấn), với hơn 90 mặt hàng. Cơ quan kiểm dịch đã lấy 96 mẫu (rau, củ, quả) phân tích, trong đó có 88 mẫu đạt điều kiện ATTP; phát hiện 8 mẫu (8,3%) có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, gồm một mẫu củ cải trắng, 5 mẫu quýt, 2 mẫu cà rốt.

 Các đoàn thanh kiểm tra, cần “đánh” có trọng tâm, không làm vu vơ... Chúng ta không có gì phải nhân nhượng; không để một người làm hại muôn người 

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Về vụ cơ quan chức năng vừa bắt 80.000 liều (Hà Nội) và 16.000 liều (Bắc Giang) thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ, ông Trung cho biết: Đây là thuốc nhập lậu từ Trung Quốc, không có trong danh mục thuốc BVTV nên không cần phải phân tích chất gì, cơ quan chức năng cho tiêu hủy là đúng quy định. “Thực tế, năm ngoái, TPHCM cũng phát hiện loại chất nhập lậu nói trên; qua phân tích phát hiện ra chất Cytokinin 28%, là loại chất kích thích tăng trưởng giá đỗ, hạn chế ra rễ. Chất này một số nước trên thế giới cho sử dụng, ở ta thì chưa”- ông Trung nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu các loại rau, củ, quả, thực phẩm lớn, nên nguy cơ thực phẩm “bẩn” lọt qua biên giới rất cao. Theo đó, tỷ lệ 8,3% số mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép nói trên là tương đối lớn. “Chưa kể, trong quá trình lưu thông, buôn bán ở chợ, người ta còn dùng chất bảo quản vượt dư lượng nữa”- bà Thu nói.

Cũng theo Thứ trưởng Thu, gần đây xuất hiện một số đối tượng, sang bên kia biên giới đặt hàng sản xuất các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng... rồi nhập lậu về nước ta. Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, cơ quan này cũng phối hợp với C49 xử lý vi phạm hành chính với DN nhập khẩu trâu bò từ Thái Lan (không thực hiện quy trình kiểm dịch động vật theo quy định).

Bộ trưởng chỉ đạo cũng không làm

Trước sự chuyển biến chậm trong quản lý về ATTP và chất lượng vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu lãnh đạo các cơ quan trong ngành phải quy trách nhiệm cụ thể. “Các anh bảo cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc BVTV là 22.000 đăng ký, nhưng sao mới 2.900 cơ sở được kiểm tra lần đầu. Thuốc thú y đăng ký 10.000 mà sao mới kiểm tra 2.000 cơ sở; lò giết mổ 17.400, hiện mới kiểm tra 2.000 cơ sở... Không chuyển biến là vì không làm. Các tổng cục, cục tự kiểm điểm, vì sao đã chỉ đạo mà triển khai chậm trễ, trách nhiệm thuộc về ai. Không thể để Bộ trưởng chỉ đạo, rồi ai muốn làm thì làm”- ông Phát gay gắt.

Theo ông Phát, ngay cả kiểm soát lĩnh vực giống cây lâm, nông nghiệp cũng trong tình trạng tương tự. “Có hơn 1.100 cơ sở làm giống, nhưng mới chỉ kiểm tra 34 cơ sở, gần như không làm gì cả. Từ đó mới có chuyện giống kém chất lượng tràn lan”. Việc Cục Thú y loay hoay mãi không xong đề án giết mổ, ông Phát nói: “Kiểm điểm cho tôi, từ cục trưởng, trưởng phòng, cán bộ...; không thể có chuyện không ai chịu trách nhiệm cả”.

Từ nay đến Tết, ông Phát cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng rau, củ quả, thịt gia súc, gia cầm, cá... Trong đó, tập trung các địa bàn Hà Nội, TPHCM và các vùng phụ cận, khu vực biên giới. Ngành BVTV phải tung quân xuống đồng ruộng để hướng dẫn sát sao, chứ không thể chuyện đã rồi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG