Thời gian qua Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục phát hiện những sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quy định về chất lượng và đã cho thu hồi những sản phẩm này. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay người tiêu dùng chưa thực sự hiểu sâu về công dụng của thực phẩm chức năng (TPCN), do đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mặt hàng này đã lợi dụng sự hiểu biết không nhiều của người tiêu dùng để kiếm lợi bằng cách nâng giá bán quá mức, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm.
Ông Đáng khẳng định: “Giá bán nhiều loại TPCN khi đến tay người tiêu dùng đã bị nâng lên quá cao so với giá trị thực của sản phẩm bởi qua nhiều tầng lớp trung gian và phải chịu mức thuế cao. Ngoài ra, có không ít trường hợp vì lợi nhuận đã đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm TPCN kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng”.
Theo ông Trần Đáng, điều kiện đăng ký sản xuất, lưu hành TPCN ở Việt Nam quá dễ dãi. Trong khi đó, nước ta chưa có quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN. Vì thế đã xuất hiện TPCN có chứa cả chất cấm. Ngoài ra, tình trạng TPCN xách tay, nhập lậu tràn lan, không bảo đảm chất lượng, an toàn cũng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng chưa thực sự hiểu sâu về công dụng của thực phẩm chức năng, do đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mặt hàng này đã lợi dụng sự hiểu biết không nhiều của người tiêu dùng để kiếm lợi bằng cách nâng giá bán quá mức, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm”.
Ông Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay trong các vi phạm về hoạt động kinh doanh TPCN, quảng cáo là vi phạm thường gặp nhất. Riêng quý I/2016 đã có 20 công ty bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó 13 công ty vi phạm về quảng cáo TPCN. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, hầu hết sản phẩm TPCN bị cơ quan chức năng xử phạt, thu hồi do vi phạm quy định về chất lượng là sản phẩm sản xuất trong nước với các lỗi như: Hàm lượng thành phần không đúng như công bố; không phát hiện hoạt chất; ô nhiễm vi sinh; nấm mốc.
Tại một cuộc hội thảo gần đây về TPCN, đề cập thực trạng bất cập trong quản lý và bát nháo của thị trường TPCN hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Hiện đang thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và tồn tại quy chế quản lý khác nhau là những yếu tố góp phần làm cho thị trường TPCN rối loạn. Bởi vậy, để sản phẩm TPCN kém chất lượng lưu thông trên thị trường là lỗi ở cơ quan quản lý. Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng chất lượng hay kém chất lượng, vì vậy các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Vì TPCN không được coi là thuốc nên doanh nghiệp không được sản xuất TPCN trên dây chuyền sản xuất thuốc, nhưng dự thảo hướng dẫn “Thực hành sản xuất tốt TPCN” lại cho phép.
Ông Trần Đáng cho rằng, cần phải có quy định thống nhất giữa Cục Quản lý dược và Cục An toàn thực phẩm vì nếu mỗi cơ quan quản lý một kiểu sẽ làm khó cho doanh nghiệp. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM từng phát biểu kiên quyết giữ quan điểm trong Luật Dược phải có chương riêng về quản lý TPCN và mỹ phẩm. Theo bà Lan, đang có khoảng trống cơ sở pháp lý về quản lý như quảng cáo thổi phồng, tiêu chuẩn sản phẩm thuốc được đăng ký thành TPCN để né các quy định. Dự kiến đến tháng 6/2017 Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư về “Thực hành sản xuất tốt (GMP) TPCN”. Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, khi áp dụng tiêu chí GMP chắc chắn sẽ “trảm” được những doanh nghiệp yếu kém, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn.
Ông Trần Đáng khuyến cáo, người tiêu dùng trước khi quyết định sử dụng một sản phẩm TPCN nào đó nên hỏi kỹ các chuyên gia tư vấn trực tiếp, cán bộ y tế hoặc hỏi cơ quan chức năng kiểm duyệt, cấp phép lưu hành sản phẩm TPCN đó. Đối với những sản phẩm TCPN được bán qua mạng hay dưới hình thức đa cấp thì người tiêu dùng cần phải cảnh giác và tỉnh táo trước khi mua; Đặc biệt phải xem xét, kiểm tra cụ thể sản phẩm đó đã được kiểm định và thử nghiệm lâm sàng cũng như đã được cơ quan y tế trong nước cấp phép lưu hành chưa.