Thực phẩm chống ung thư gây bệnh ung thư?
Lâu nay, khi đề cập đến chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư người bệnh thường được các nhà dinh dưỡng khuyên ưu tiên những thực phẩm chống ôxy hóa như bông cải xanh, quả việt quất.... Ngay cả chế độ ăn uống phòng chống ung thư những thực phẩm chống ôxy hóa cũng được liệt lên hàng đầu.
Tin tưởng vào những lời khuyên này, rất nhiều người bệnh ung thư hoặc người muốn phòng chống bệnh ung thư đã ưu ái cho những loại thực phẩm này trong chế độ ăn uống của gia đình mình.
Tuy nhiên, gần đây, tuyên bố mới của TS. James Watson (nhà sinh vật học phân tử người Mỹ, từng được trao giải Nobel trong Sinh lý và Y khoa năm 1962) đã khiến không ít người hoang mang. Theo TS. James Watson thì một số loại siêu thực phẩm (thực phẩm giàu dinh dưỡng) không hề ngăn ngừa ung thư mà còn là nguyên nhân gây bệnh.
Theo bài viết trên Daily Mail ngày 9/1/2013, TS. James Watson cho rằng, việc điều trị nhiều loại ung thư sẽ còn khó nắm bắt nếu các nhà khoa học không xem xét lại vai trò của các chất chống ôxy hóa, trong đó bao gồm cả vitamin dạng thuốc và các loại rau quả như bông cải xanh, quả việt quất.
Chất chống ôxy hóa vốn được nhiều người tin rằng chúng tăng cường sức khỏe và phòng chống ung thư bằng cách truy quét các phân tử ôxy được gọi là gốc tự do. Nhưng TS. Watson lập luận rằng, điều đó có thể là chìa khóa để ngăn ngừa và điều trị ung thư, nhưng nó cũng có thể gây phản tác dụng. Các gốc tự do không chỉ giúp kiểm soát các tế bào ung thư, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu sản xuất nhiều loại thuốc điều trị ung thư cũng như xạ trị.
Chất chống ôxy hóa có nguy cơ gây bệnh ung thư nhiều hơn khả năng ngăn chặn bệnh của chúng. Có nhiều dữ liệu cho thấy rằng nhiều trường hợp bệnh ung thư giai đoạn cuối không thể chữa trị có thể là do cơ thể sở hữu quá nhiều chất chống oxy hóa.
TS. Watson cũng cho biết, một số lượng lớn những nghiên cứu đã cho thấy chất chống oxy hóa gồm vitamin A, C, E và các khoáng chất selen “không có hiệu quả rõ ràng trong việc ngăn ngừa ung thư dạ dày hoặc kéo dài cuộc sống. Thay vào đó, nó còn có vẻ rút ngắn thời gian sống của người bệnh.
Đồng quan điểm với TS Watson, GS Nic Jones (Viện Nghiên cứu Ung thư Anh) cũng đồng ý với các nghiên cứu cho thấy chất chống ôxy hóa không có hiệu quả cho công tác phòng chống bệnh ung thư ở những người khỏe mạnh và thậm chí nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ông cho rằng, vitamin và khoáng chất cần được thực hiện thông qua một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
Những thông tin mà TS. James Watson đưa ra phá vỡ quan điểm đã trở thành niềm tin của nhiều người về khả năng phòng chống bệnh ung thư của một số loại thực phẩm. Giữa một bên là phát ngôn của một nhà khoa học lớn mà giải thưởng danh giá Nobel là một sự đảm bảo vững chắc, với một bên là niềm tin đã tồn tại lâu dài trong giới khoa học và đông đảo người dân, nhiều người bắt đầu hoang mang không biết nên tin bên nào. Và câu hỏi đặt ra là liệu có nên tiếp tục lựa chọn các loại thực phẩm chống oxy trong nỗ lực ngăn ngừa căn bệnh này hay không?
Thực phẩm chống ôxy hóa - không thực tế
TS. Đoàn Lực (Trưởng khoa Chống đau, Bệnh viện K)
Trao đổi với phóng khỏe SKGĐ về vấn đề này, TS. Đoàn Lực (Trưởng khoa Chống đau, Bệnh viện K) nói về vai trò của thực phẩm chống ôxy hóa trong điều trị ung thư, bác sỹ Lực cho biết: Khái niệm thực phẩm chống ôxy hóa rất mơ hồ, ngay bản thân ông cũng không rõ thực phẩm nào chống ôxy hóa, thực phẩm nào không chống ôxy hóa. Khả năng chống ôxy hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ nguyên vật liệu, cách bào chế, sơ chế…
Theo bác sỹ Lực, các thực phẩm chống ôxy hóa chỉ mang tính chất nghiên cứu, còn lời khuyên ăn thực phẩm chống ôxy hóa có thể phòng ngừa ung thư là không thực tế lắm. Có thể về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế thì bác sỹ Lực tin rằng, thực phẩm chống ôxy hóa có thể phòng chống ung thư là rất khó, nó còn phụ thuộc vào việc bạn có thể ăn được bao nhiêu, hấp thụ vào cơ thể được bao nhiêu.
Bàn về quan điểm của TS. James Watson rằng, thực phẩm chống ôxy hóa chẳng những không giúp ngăn ngừa ung thư mà còn có khả năng gây bệnh. Bác sĩ Lực cho biết, đó là quan điểm của một nhà khoa học lớn, ông tôn trọng quan điểm đó nhưng chưa thể tin theo nó được. Những quan điểm khoa học cần phải được chứng minh bằng thực tiễn thì mới có ý nghĩa. Theo bác sĩ Lực thì những vấn đề này tương đối lớn và tương đối sâu với các nhà khoa học cơ bản, còn với những nhà khoa học lâm sàng như ông thì cần những ứng dụng.
Thế giới hiện nay phát triển rất nhanh, nhưng người ta vẫn chưa khắc phục được bệnh ung thư là do tính chất phức tạp của nó. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh cảnh khác nhau và dẫn đến tử vong, chứ không phải là một nguyên nhân. Bản thân bệnh ung thư đến bây giờ có nhiều bệnh khác nhau, nhiều nguyên nhân khác nhau…
Ăn uống vệ sinh, đủ dưỡng chất và hợp khẩu vị là thiết yếu để phòng tránh ung thư
Theo bác sĩ Lực: Chúng tôi luôn luôn đứng ở góc độ dinh dưỡng cho rằng tất cả các loại dinh dưỡng đều cần thiết để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần thiết. Yếu tố dinh dưỡng luôn được đặt lên hàng đầu, đồng hành với các biện pháp điều trị khác, trong đó chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ các thành phần.
Một số thực phẩm được cho là thực phẩm chống ôxy hóa có thể là tốt, nhưng số lượng ăn có đủ hay không, có ăn mãi được một loại thực phẩm hay không bởi với bản thân người bệnh ung thư việc ăn uống đã rất khó khăn.
“Người ta nhiều khi quên mất chất lượng bữa ăn, ăn là một trong những khoái khẩu, thể hiện chất lượng cuộc sống, nhưng nếu cứ phải ăn mãi một món, phải thay đổi làm sao để phù hợp với từng cá thể, miễn làm sao đủ chất dinh dưỡng. Một số nghiên cứu cho rằng ăn sống, ăn nướng quá nhiều có thể gây bệnh ung thư, tuy nhiên, trên thực tế chả ai ăn nướng mãi được” – Bác sĩ Lực cho biết.
Về chế độ dinh dưỡng phòng chống ung thư, theo bác sĩ, có nhiều vùng có những thói quen, phong tục ăn sống, ăn nướng quá nhiều, hay người dân nghèo vì tiếc của mà ăn cả thực phẩm đã mốc… đó là những điểm cần dự phòng. Còn về cơ bản, nguyên tắc trong ăn uống là đảm bảo vệ sinh, ăn uống hợp khẩu vị, nên ăn đủ các thành phần.
Quan trọng nhất vẫn là vệ sinh ăn uống, bao gồm cả ăn uống điều hòa, đảm bảo đủ chất, không ăn thức ăn ôi thiu, ăn thực phẩm sạch. Thói quen ăn uống chưa được hợp lý thì nên bỏ. Ăn là thú vui của con người, chúng ta khuyên một cách thái quá, một số người cực đoan người ta bỏ đi hoàn toàn là không nên.
Với người bệnh ung thư, quan điểm của bác sĩ vẫn là khuyên khích ăn đều, ăn đủ các thành phần dinh dưỡng. Có một số bệnh cần phải có chế độ kiêng riêng, thì với từng bệnh bác sĩ sẽ có lời khuyên riêng. Và lời khuyên cuối cùng của bác sĩ Lực, đó là người bệnh cố gắng tuân thủ lời khuyên của thầy thuốc (thầy thuốc chuyên khoa càng tốt). Có như vậy thì việc phòng và điều trị bệnh mới đạt hiệu quả cao được.