Bát nháo thực phẩm ở chợ đầu mối - Kỳ 4:

Thực phẩm chợ đầu mối: Cha chung không ai khóc

Sản phẩm cá mè ươn lạnh được bán với giá 10 nghìn đồng một kilogam tại chợ cá Yên Sở
Sản phẩm cá mè ươn lạnh được bán với giá 10 nghìn đồng một kilogam tại chợ cá Yên Sở
TP - Ở một chợ đầu mối tại Hà Nội, nhiều đơn vị chức năng cùng tham gia công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nên dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc”. Thực phẩm không đảm bảo VSATTP, không rõ nguồn gốc vẫn có thể lọt vào chợ bất cứ lúc nào.

Phụ thuộc vào ý thức người kinh doanh (?!)

Chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cung cấp một lượng lớn rau quả, thịt lợn và gia cầm cho người dân Thủ đô. Việc kiểm soát chất lượng các mặt hàng tại chợ được giao cho nhiều đơn vị khác nhau. Theo ông Nguyễn Chí Giảng, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chợ đầu mối phía Nam, mỗi ngày chợ này giao dịch khoảng 80-90 tấn rau, quả các loại.

Hàng hóa chủ yếu được chuyển lên từ các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên; các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Các loại rau, củ, quả khi vào chợ bán không phải xuất trình nguồn gốc, xuất xứ. Hoạt động kiểm soát chất lượng được thực hiện là thi thoảng có đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT xuống chợ lấy mẫu rau mang đi xét nghiệm.

Với mặt hàng thịt lợn và gia cầm, Trung tâm Kinh doanh Chợ đầu mối phía Nam ký liên kết với Đội Quản lý thị trường số 15 và Trạm Thú y quận Hoàng Mai để quản lý nguồn gốc và giám sát chất lượng. Trong chợ hiện có 80 hộ kinh doanh thịt lợn, 50 hộ kinh doanh gia cầm với lượng giao dịch khoảng 15 tấn thịt lợn, 5-6 tấn gia cầm một ngày.

Theo ông Giảng, mỗi ngày có hai nhân viên của Trạm Thú y Hoàng Mai kết hợp với trung tâm tiến hành kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Thông thường, khoảng 2-3 giờ sáng, thịt lợn từ các lò mổ về chợ nhiều nhất, khoảng 5-6 giờ sáng gia cầm đổ về nhiều, lực lượng thú y thường có mặt lúc 4 giờ 30 để tiến hành kiểm tra.

Thực phẩm chợ đầu mối: Cha chung không ai khóc ảnh 1

Xe chở cá vào chợ cá Yên Sở chiều 7/4 không thấy xuất trình nguồn gốc cá, hợp đồng mua bán. Ảnh: Phạm Anh

Tại sao ngày nào nhân viên thú y cũng đi kiểm tra, nhưng vẫn có tình trạng tiểu thương bán thịt lợn không dấu, không đảm bảo chất lượng với giá 20 nghìn đồng/kg, (Tiền Phong phản ánh trong bài Thịt ôi, cá chết chảy về nhà hàng, quán cơm, đăng ngày 12/4), ông Giảng cho biết: Nhiều tiểu thương dùng mánh khóe để “trốn” cơ quan chức năng. Khi lực lượng chức năng có mặt, họ giấu các mặt hàng không đảm bảo chất lượng trong ngăn kéo, thùng xốp, khi lực lượng chức năng đi rồi, họ mới bày bán.

“Chúng tôi không thể canh chừng 24/24. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên thì quan trọng nhất vẫn là ý thức của người kinh doanh”, ông Giảng nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Công San, Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội, ở chợ đầu mối liên quan đến nhiều cơ quan chức năng kiểm tra, không chỉ lực lượng quản lý thị trường. Quản lý thị trường liên quan đến hoạt động lưu thông hàng hóa, nhưng liên quan đến chất lượng ATTP là y tế, liên quan đến con, cây, củ quả... là ngành nông nghiệp.

Theo ông San, việc thanh kiểm tra hàng hóa, quản lý thị trường đã có kế hoạch từ đầu năm và giao cho các Đội tham mưu cho lãnh đạo quận, huyện thực hiện. “Việc này, liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương. Chúng tôi kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành”- ông San nói.

Bó tay với cá không rõ nguồn gốc

Tại chợ cá tạm Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), mỗi ngày giao dịch khoảng 60-70 tấn cá. Ban quản lý chợ có 23 người, chủ yếu là thu phí, thuế, giữ an ninh trật tự. Việc thực hiện kiểm soát nguồn gốc sản phẩm được giao cho chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành số 01. Chốt này trực 24/24 giờ tại cổng chợ.

Tuy nhiên, theo một nhân viên kiểm dịch ở đây, chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành mới được thành lập từ sau đợt nở rộ cá tầm Trung Quốc (cách đây khoảng bốn tháng-PV). Dù là chốt liên ngành, nhưng chỉ có “quân” của chi cục Thủy sản Hà Nội, công an chỉ có sự việc mới đến, còn quản lý thị trường có công văn “xin người” đã mấy tháng, nhưng vẫn chưa cử cán bộ tăng cường cho chốt.

Hiện nhiệm vụ của chốt chỉ là kiểm soát nguồn gốc cá, nhất là cá Trung Quốc. Xe ra vào, phải cung cấp xác nhận nguồn gốc do địa phương cấp. Riêng việc kiểm tra chất lượng cá lại do Chi cục Thủy sản. Theo ông Trịnh Cao Phượng, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ cá tạm Yên Sở, một đến hai tháng, cơ quan chức năng Hà Nội mới đến chợ lấy mẫu cá đi xét nghiệm một lần.

Ông Nguyễn Chí Giảng, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chợ đầu mối phía Nam cho biết, với trường hợp tiểu thương bán thịt ôi thiu giá 20 nghìn đồng/kg (như Tiền Phong phản ánh trong kỳ 3: Thịt ôi, cá chết chảy về nhà hàng, quán cơm, ngày 12/4), đơn vị này sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát. Khi phát hiện sẽ tiến hành cảnh cáo, tạm ngừng kinh doanh ít nhất 10 ngày. Khi được hỏi về hiện tượng cá chết được nhiều tiểu thương mua lại bán cho nhà hàng, quán cơm, ông Phượng, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ cá tạm Yên Sở cho biết “Số lượng chết không đáng kể. Chúng tôi cũng không quan tâm đến việc ấy. Thường thì với cá ấy, đắt rẻ họ đều bán cho hết”.

 

Ngay với việc quản lý nguồn gốc cá, một nhân viên kiểm dịch cho biết, có nhiều xe cá không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xong việc xử phạt rất khó. Từ lúc lập chốt tới nay, chưa xử lý được vụ việc vi phạm nào. Nhân viên này cho hay chỉ có lực lượng quản lý thị trường mới có chức năng xử phạt tại chỗ. Các cán bộ kiểm dịch trong trường hợp phát hiện cá không có nguồn gốc cũng chỉ tạm giữ.

“Thông thường như thế, họ gọi điện cho người thân mang giấy chứng nhận nguồn gốc. Như vậy sản phẩm lại đảm bảo quy định, chúng tôi không có cơ sở để xử lý”, vị này cho hay.

Liên quan đến nghi vấn cá Trung Quốc vẫn được bán tại chợ, ông Trịnh Cao Phượng cho biết, việc kiểm soát rất chặt chẽ nhưng vẫn không loại trừ trường hợp, nhiều tiểu thương nhập cá từ Trung Quốc về sau đó thả xuống ao. Một thời gian đánh bắt lên mang đi tiêu thụ. Như vậy thì lực lượng chức năng không thể phát hiện ra được.

Theo ông Nguyễn Mậu Hải, Phó chi Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện quản lý các chợ đầu mối vẫn còn nhiều bất cập, có chợ giao cho chính quyền quận, huyện; có chợ lại do doanh nghiệp. Hiện một số chợ họ đấu thầu cho thuê, ban quản lý chợ là một nhóm người đứng ra thu vé ra vào chợ…

Ông Hải cho biết: “Hiện chúng tôi đang đánh giá lại hiện trạng chung, kể cả việc kinh doanh của các tiểu thương cũng như hoạt động của Ban quản lý chợ, từ đó đề xuất thành phố, đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm ở các chợ đầu mối”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.