Thực hư vụ 'xé rào' chấm thi ở ĐBSCL

Thực hư vụ 'xé rào' chấm thi ở ĐBSCL
TP - Lãnh đạo 11 sở GD&ĐT ở ĐBSCL cho rằng dư luận đã cường điệu việc các sở này chấm bài môn Văn tốt nghiệp THPT theo hướng 'nới lỏng' cho thí sinh. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định không cho phép hội đồng chấm thi tự xây dựng hướng dẫn chấm khác với hướng dẫn của Bộ.

> Bộ GD&ĐT xác minh việc 'thỏa thuận cho điểm... vô tư' 

Thí sinh ở TP Cà Mau cười tươi sau buổi thi môn Văn Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng
Thí sinh ở TP Cà Mau cười tươi sau buổi thi môn Văn.
Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng.

Câu chuyện bắt đầu từ sự việc hội đồng chấm thi của 11 Sở GD&ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) họp để thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT các môn tự luận, trong đó có môn Văn.

Theo phản ánh của một giám khảo ở Tiền Giang, nội dung biên bản thống nhất hướng dẫn chấm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn Ngữ văn có biểu hiện “xé rào” hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT nhằm mục đích nâng điểm thi môn Văn cho các thí sinh.

Dư luận cường điệu?

Chẳng hạn theo hướng dẫn chấm của Bộ, câu 1 đề thi Văn, ở ý thứ nhất nếu thí sinh nêu được những hình ảnh thường hiện lên là màu hồng hồng của ánh sương mai giám khảo cho 0,5 điểm. Nhưng theo biên bản thống nhất chấm của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, học sinh chỉ cần nêu 1 trong các ý sau đều được 0,5 điểm: màu hồng hồng; ánh sương mai; chiếc thuyền; chiếc thuyền lưới vó ở ngoài khơi tiến vào... màu sương mờ...

Vẫn theo vị giám khảo trên, ở các ý khác, câu khác, nội dung thống nhất chấm thi của các tỉnh ĐBSCL đều có biểu hiện bật đèn xanh để giám khảo “ban phát điểm” cho thí sinh.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho rằng, dư luận chỉ phản ánh đúng một nửa sự thật: “Đúng là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã họp để thống nhất đáp án các môn tự luận sau khi được Bộ GD&ĐT cho phép. Nhưng dư luận đã cường điệu sự việc”.

Theo ông Đôn, sở dĩ cần có sự thống nhất về cách chấm bài trên cơ sở hướng dẫn của Bộ là để tạo sự “đều tay” trong việc chấm bài của giám khảo 11 tỉnh. “Các hội đồng thi họp để thống nhất cách hiểu đáp án chứ không đi ngược lại hướng dẫn chấm của Bộ”, ông Đôn khẳng định.

Ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Cụm trưởng Cụm Thi đua GD&ĐT vùng ĐBSCL cho rằng, do tiền lệ đã có việc một số tỉnh chấm quá chặt gây thiệt thòi cho thí sinh tỉnh bạn nên việc thống nhất để chấm công bằng cho thí sinh tất cả các tỉnh trong khu vực là điều cần thiết.

Cũng theo ông Nhi, dư luận cho rằng nội dung thống nhất hướng dẫn chấm thi tạo điều kiện nâng điểm cho thí sinh là không có cơ sở. “Kết quả chấm thi môn Văn nhìn chung không có gì bất thường so với năm ngoái. Tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình trở lên ở môn Văn có tỉnh tăng 5 - 7 %, nhưng có tỉnh thấp hơn.

Chẳng hạn tỉ lệ này ở Đồng Tháp khoảng 72% và so với các môn khác thì tỉ lệ này bình thường, không thấp không cao. Thậm chí tỉ lệ này là thấp so với môn Toán và môn Sử”, ông Nhi cho biết.

Không được làm trái hướng dẫn của Bộ

Trả lời Tiền Phong chiều 19- 6, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ GD&ĐT đã ban hành và chỉ đạo thống nhất đáp án và biểu điểm trong toàn quốc, không cho phép hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng hướng dẫn chấm thi khác với hướng dẫn của Bộ.

Về sự việc thống nhất hướng dẫn chấm thi các môn tự luận của 11 tỉnh ĐBSCL, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các sở liên quan báo cáo. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo quy chế.

Ông Tuấn cũng cho biết, có việc Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp gửi công văn ngày 5-6- 2011 đề nghị Bộ GD&ĐT cho tổ chức cuộc họp gồm một số đại diện các hội đồng chấm thi của các tỉnh trong vùng để “thảo luận hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ GDĐT ở từng môn thi”.

Xét thấy nội dung cuộc họp trên là không trái với các quy định của quy chế thi, Bộ đã đồng ý cho tổ chức cuộc họp và nêu rõ “phải tổ chức cuộc họp theo tinh thần gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ chấm thi”.

Bội thu tỷ lệ đỗ 99%

Hôm qua, các địa phương tiếp tục công bố tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT. Nếu như năm ngoái cả nước chỉ có 6 tỉnh đạt tỉ lệ đỗ 99% trở lên thì năm nay, khá nhiều tỉnh nằm trong danh sách này. Khu vực phía Bắc, ngoài các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa đạt trên 99% mà báo Tiền Phong đã đưa tin còn có các tỉnh:

Ninh Bình: THPT đạt tỉ lệ đỗ 99,78%; bổ túc THPT đạt tỉ lệ đỗ 99,87%. Cả tỉnh có 13.073 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 30 thí sinh trượt tốt nghiệp.

Hưng Yên: THPT đạt tỉ lệ đỗ 99,73%, bổ túc THPT đạt tỉ lệ đỗ 98,87%. Cả tỉnh hơn 16.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ chưa đến 50 em trượt tốt nghiệp.

Hà Nam: Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp bình quân toàn tỉnh đạt 99,6%.

Hải Dương: THPT đạt tỉ lệ đỗ 99,19%; bổ túc THPT đạt tỉ lệ đỗ 99,8%.

Ngoài những địa phương nói trên, nhiều nơi khác tuy không đạt 99% nhưng nhìn chung đều có kết quả cao (trên 90%).

Lạng Sơn: Đạt tỉ lệ đỗ THPT 96,81% (tăng 2,78% so với năm ngoái), bổ túc THPT đạt 96% (tăng 15,52% so với năm ngoái).

Nghệ An: Đạt tỉ lệ đỗ THPT 97,83%, bổ túc THPT đạt 91,67%. Toành tỉnh có 9 trường THPT và 7 đơn vị giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp 100%.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chậm nhất ngày 18-6, các địa phương phải chấm xong bài thi của thí sinh và công bố kết quả tốt nghiệp; chậm nhất 24- 6, thí sinh được nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, học bạ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG