Sau khi Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong Un được cho là ám chỉ Triều Tiên đã phát triển bom nhiệt hạch (bom H), nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài đã đưa ra những nhận định về thông tin chấn động này.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/12, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng thông tin về việc Triều Tiên đã phát triển được một quả bom nhiệt hạch là “thật sự đáng ngờ”. Tuy nhiên, Washington quan ngại và sẽ xử lý thận trọng vấn đề này cũng như những vấn đề bắt nguồn từ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trước đó cùng ngày, KCNA đưa tin trong chuyến thăm bảo tàng cách mạng Phyongchon ở thủ đô Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên đã trở thành "một cường quốc vũ khí hạt nhân và sẵn sàng kích nổ bom A và bom H tự lực để bảo vệ vững chắc chủ quyền và phẩm giá quốc gia". Triều Tiên đã từng tuyên bố việc theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân là kết quả của chính sách thù địch của Mỹ đối với nước này. Theo Phó Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc (LHQ) Peter Wilson, nếu có những bằng chứng về việc Triều Tiên sở hữu bom H, nước này sẽ bị coi là vi phạm các nghị quyết của LHQ và việc này sẽ được báo cáo lên Hội đồng Bảo an. Ông cũng lưu ý rằng trước đây Bình Nhưỡng đã từng đưa ra những tuyên bố tương tự. Cùng ngày, hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức thuộc Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng chế tạo bom H. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi tất cả các bên liên quan có những nỗ lực mang tính xây dựng vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cũng như góp phần vào việc sớm nối lại cuộc đàm phán sáu bên. Bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ Trung Quốc luôn ủng hộ con đường phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, kiên trì các nỗ lực đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực này cũng như giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Giới chuyên gia nước ngoài cũng chưa chắc chắn về khả năng Triều Tiên đã phát triển một quả bom H. Chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở bang California, Mỹ, cho rằng tại thời điểm này, không chắc Triều Tiên đã có bom H, nhưng nếu tuyên bố sở hữu bom H của Triều Tiên là thật, chứng tỏ nước này đã có những bước tiến trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Theo chuyên gia hạt nhân David Albright, người đứng đầu Viện An ninh Quốc tế và Khoa học ở Washington, trong vài năm trở lại đây đã xuất hiện những quan ngại rằng Triều Tiên đang phát triển vũ khí nhiệt hạch, nhưng theo ông, để phát triển một thiết bị như vậy đòi hỏi các vụ thử hạt nhân lớn hơn so với những vụ thử mà Triều Tiên từng tiến hành.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho biết: "Xét theo báo cáo của các cơ quan Mỹ và Hàn Quốc chuyên theo dõi tiềm năng quân sự-công nghiệp của Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên đã thực hiện các công việc nhằm phát triển bom nhiệt hạch. Nói chung, đây là con đường mà các cường quốc hạt nhân đã từng đi qua. Ở giai đoạn đầu tiên họ phát triển đầu đạn hạt nhân, sau đó bom nhiệt hạch. Và không có lý do để cho rằng Bắc Triều Tiên đang đi theo con đường khác trong lĩnh vực này. Nhưng, chúng ta chỉ có thể biết sự thật sau khi Bắc Triều Tiên thực hiện thử nghiệm các loại vũ khí mới".
Trong năm 2005, Triều Tiên tự tuyên bố là cường quốc hạt nhân và sau đó đã thực hiện mấy vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Vào tháng 12/2012, CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm thành công việc đưa vệ tinh Kvanmenson-3 vào quỹ đạo bằng tên lửa mang Unha-3. Nhiều nước - trước hết Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc - lo ngại rằng trên thực tế Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin, sự lo ngại đó không thể được coi là vô căn cứ. Ông nói tiếp: "Bất chấp tình trạng bị cô lập, Bắc Triều Tiên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực phát triển các loại vũ khí chiến lược. Ví dụ, nước này đã thiết kế chế tạo các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và các hệ thống phòng không mới... Bình Nhưỡng có tiềm năng khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực này và dần dần lên cấp độ của Liên Xô cũ hồi những năm 1970. Bắc Triều Tiên đang sản xuất các loại tên lửa đạn đạo tương đối hiện đại, thử nghiệm thành công các tên lửa cho tàu ngầm. Vì vậy, hiện nay không thể phủ nhận được tiềm năng của Bắc Triều Tiên trong lĩnh hạt nhân".
Theo Theo TTXVN/Tin Tức/Kiến Thức