> Lãi suất giảm chưa đủ lực kéo người mua nhà đất
Ảnh minh họa. |
Mới đây, Vietcombank gửi thư đến khách hàng mời tham quan căn hộ dự án Indochina Plaza Hà Nội (IPH) ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Trước đó, Vietcombank ký hợp tác với chủ đầu tư dự án IPH áp dụng ưu đãi gồm có chương trình hoãn trả nợ gốc 1 năm kể từ ngày giải ngân và 0% lãi suất trong năm đầu tiên.
Ngoài ra, người mua nhà có thể được vay lên tới 60% trị giá căn hộ trong thời hạn 20 năm và thế chấp bằng chính căn hộ đang mua tại dự án với thủ tục khá nhanh gọn.
Khi mua nhà dự án Berriver Long Biên. Tương tự, khách hàng vay tại SeABank để mua căn hộ dự án Berriver Long Biên sẽ được hưởng lãi suất 11,99%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu tiên và được vay tới 70% trị giá căn hộ trong thời hạn tối đa 20 năm.
Các ngân hàng khác như BIDV, MB, ACB, HDBank, ABBank... cũng tung ra các gói ưu đãi cho khách hàng mua nhà dự án.
Giảm giá căn hộ qua ưu đãi tín dụng?
Nhiều chủ đầu tư từ chối thông tin chi tiết về nội dung hợp tác với ngân hàng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc ngân hàng tỏ ra hào phóng với khách hàng có thể là do chủ đầu tư đã chấp nhận thanh toán phần lãi suất thay cho khách hàng, hay nói cách khác đây là một kiểu giảm giá mua căn hộ thông qua ưu đãi lãi suất.
“Không bao giờ ngân hàng lại bỏ tiền ra hỗ trợ khách hàng dễ dàng như vậy. Rõ ràng, đây là một cách giảm giá bán rất tế nhị với những dự án đang bán dở dang mà chủ đầu tư ngại nói ra với những người mua căn hộ tiếp theo”, Phó giám đốc một công ty bất động sản nói.
Vì vậy, khách hàng cần tính toán kỹ, nhìn vào chất lượng của dự án để quyết định mua nhà, hơn là một chút lãi suất ưu đãi, vì thông thường ưu đãi chỉ có thời hạn từ vài tháng đến một năm.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, việc sử dụng vốn huy động ngắn hạn vào cho vay bất động sản dài hạn sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các ngân hàng và cũng cho thấy không phải đơn giản khi ngân hàng tỏ ra dễ dàng với khách mua nhà tại một số dự án.
“Trước đây, nhiều ngân hàng đã trót đổ tiền cho các dự án vay nhưng sau đó thị trường đóng băng nên có thể chủ đầu tư chưa trả được nợ. Việc ngân hàng buộc phải đổ thêm tiền vào ưu đãi cho người mua, giúp chủ đầu tư bán hết hàng phải chăng cũng là cách mà ngân hàng tự cứu chính mình?”, vị chuyên gia tài chính nói.