Thực hư tính độc hại của chảo chống dính

PTFE, hay Teflon trong chảo chống dinh về bản chất là một chất trơn, không gây phản ứng nhiều với cơ thể con người.
PTFE, hay Teflon trong chảo chống dinh về bản chất là một chất trơn, không gây phản ứng nhiều với cơ thể con người.
Thông tin chảo chống dính có chứa các chất gây ung thư đang khiến nhiều bà nội trợ hoang mang. Zing.vn đã có cuộc trao đổi với 2 chuyên gia về vấn đề này.

Teflon ít có khả năng gây hại cho con người

Theo TS Phạm Thành Quân, Đại học Bách Khoa TP HCM, mặt trong của chảo chống dính trải một lớp hợp chất cao phân tử. Đó là politetra floetylen (viết tắt là PTFE) được tôn vinh là “vua chất dẻo” và được gọi là Teflon.

Politetra floetilen chỉ chứa 2 nguyên tố C và F nên liên kết với nhau rất bền chắc. Khi cho Teflon vào axit vô cơ hay axit H2SO4 đậm đặc, nước cường thủy (hỗn hợp HCl và HNO3 đặc), vào dung dịch kiềm đun sôi thì Teflon không hề biến chất.

Dùng Teflon tráng lên đáy chảo khi đun với nước sôi không xảy ra bất kỳ tác dụng nào. Với các loại dầu ăn, muối, giấm,… cũng không xảy ra hiện tượng gì. Cho dù không cho dầu mỡ mà trực tiếp rán cá, trứng trong chảo cũng không xảy ra phản ứng nào.

Ngoài ra, liên kết này còn tạo ra sức căng trên bề mặt nồi, chảo. Chính sức căng này làm cho dầu mỡ, thực phẩm không bị bám dính vào bề mặt nồi, chảo, dễ dàng chùi rửa, tiết kiệm thời gian, hạn chế lượng dầu mỡ khi chế biến thức ăn.

TS Quân cho hay, PTFE hay Teflon về bản chất là một chất trơn, không gây phản ứng nhiều với cơ thể con người.

Teflon phân hủy ở nhiệt độ cao, trên 300-400 độ C, là chất hữu cơ bền nhất. Trong khi đó, nhiệt độ nấu ăn thông thường chỉ dao động trong khoảng 130-190 độ C, thường không vượt quá 250 độ C.

Tuy nhiên, phần độc hại chính là phần keo dính chất Teflon vào bề mặt kim loại. Phần keo này là chất dễ phân hủy bởi nhiệt, tạo ra các chất nguy hại cho con người khi ở nhiệt độ cao. Nếu dùng lâu dài, chất bám dính sẽ bong tróc ra, không liên kết được Teflon với bề mặt kim loại. Khi đó, không nên tiếp tục dùng.

Giáo sư Phạm Văn Khôi – Viện Hóa học Việt Nam cũng khẳng định Teflon là một hợp chất khó hấp thu, kể cả khi đã đi vào cơ thể con người, chúng cũng tự đào thải ra. Do đó, không cần lo lắng về khả năng Teflon tích tụ và gây bệnh trong cơ thể người.

Theo GS Khôi, một số Teflon còn được sử dụng trong các máy móc công nghiệp khác. Những loại này không thích hợp dùng trong thực phẩm. Nhà sản xuất phải biết lựa chọn loại Teflon nào được phép sử dụng và an toàn cho người sử dụng. Còn với người tiêu dùng, để đảm bảo mua được nồi chảo chống dính an toàn, chất lượng, nên lưu ý chọn lựa các thương hiệu uy tín, có lịch sử lâu năm và có đầy đủ thông tin về nhãn hiệu, tránh bị nhập nhèm không rõ xuất xứ của lớp phủ chống dính.

PTFE được nhà khoa học Roy Plunkett ở Ohio (Mỹ) phát hiện từ năm 1938 và được công nhận là một hợp chất có tác dụng trơn trượt đặc biệt.

Năm 1960, Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA) phê duyệt PTFE được dùng cho các thiết bị chế biến thực phẩm. Với sự chấp thuận này, công ty Tefal, tại Mỹ gọi là T-FAL, đã bắt đầu bán chảo chống dính. Từ đó đến nay, chảo chống dính luôn là vật dụng quen thuộc trong các nhà bếp khắp thế giới.

Vẫn theo GS Khôi, đến thời điểm hiện tại, trên thế giới vẫn chưa có một cảnh báo về việc nên ngừng sử dụng các loại chảo chống dính sử dụng hợp chất PTFE.

Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đều khẳng định không cần gắn nhãn cảnh báo lên chảo chống dính, cũng như không cần thiết phải ngăn chặn sản phẩm lưu hành trên thị trường.

Cẩn thận với các sản phẩm chống dính giả

Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại chảo chống dính với nhiều mẫu mã và chất lượng khác nhau. Các chuyên gia cho biết, tùy theo chất bám dính và màng tráng phun được sử dụng trên các nồi, xoong, chảo mà các sản phẩm có giá thành khác nhau. Loại tráng phun tốt hơn, ít nguy hại hơn, giá thành cao hơn và ngược lại.

Tuy nhiên, cũng có những loại chảo chỉ được tráng một lớp sơn mỏng chịu nhiệt sơ sài trên bề mặt kim loại. Thoạt nhìn, chúng không khác nhiều so với các loại chảo chống dính chính hãng, nhưng khi sử dụng sẽ khác. Khi nấu ở nhiệt độ cao, lớp khói độc thoát ra từ loại chảo này sẽ gây hại cho sức khỏe với các biểu hiện như tức ngực, khó thở, nếu dùng thường xuyên.

Lưu ý khi dùng chảo chống dính

Mặc dù chất Teflon được sử dụng trong chảo chống dính đang nằm trong mức an toàn, khi sử dụng nồi, chảo chống dính, tốt hơn hết khi dùng vẫn nên lưu ý:

-Trước khi sử dụng lần đầu, nên lau sạch bề mặt không dính bằng 1 ít dầu ăn. Việc này giúp kéo dài tuổi thọ của lớp chống dính.

- Luôn sử dụng các dụng cụ nấu ăn bằng nhựa hay bằng gỗ, không bao giờ cắt thực phẩm trong chảo.

- Không nấu quá nóng, không nên quá 260 độ C.

- Không để chảo quá nóng trên bếp mà không có dầu, mỡ.

- Không rửa chảo ngay ở nhiệt độ nóng, nên chờ đến khi nguội mới rửa.

- Nên rửa chảo bằng xốp mềm. Không chà xát trong chảo.

- Dùng chảo quá 1-2 năm, nên xem xét đến việc thay chảo mới. Khi lớp phủ chống dính bong cũng nên thay chảo mới.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.