Thực hư thông tin Bình Dương lắp 'mỗi mắt camera hơn 1 tỷ đồng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước việc dư luận xôn xao về đề án lắp đặt hệ thống camera trên địa bàn tỉnh Bình Dương với bình quân mỗi mắt camera hơn 1 tỷ đồng, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, cố tình hiểu và định hướng sai khiến dư luận hiểu nhầm.

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế, xã hội diễn ra sáng 7/12, đại diện Công an tỉnh Bình Dương đã thông tin liên quan đến đề án lắp đặt camera trên địa bàn.

Theo đó, thượng tá Nguyễn Minh Thân – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Dương cho biết, để hoạt động hệ thống camera đa chức năng theo đề án, cần phải đầu tư trung tâm điều hành thông minh, các trạm dữ liệu, điều phối… do đó cần vốn đầu tư lớn. “Nếu định giá mỗi mắt camera hơn một tỷ đồng là rất vô lý, cố tình hiểu sai chứ không phải không biết”, thượng tá Thân nhấn mạnh.

Đại diện Công an tỉnh Bình Dương cho hay, hệ thống camera có các chức năng đo đếm lưu lượng phương tiện để cảnh cáo trước tình trạng kẹt xe có thể xảy ra, đo tốc độ phương tiện (dự liệu truyền về máy chủ xác lập, in biên bản vi phạm đúng lỗi), cảnh báo hoặc thông báo cháy chính xác vị trí, dò theo lộ trình di chuyển nếu phát hiện có cướp giật trên đường.

Thực hư thông tin Bình Dương lắp 'mỗi mắt camera hơn 1 tỷ đồng' ảnh 1

Đại diện Công an tỉnh Bình Dương thông tin tại họp báo

Trước mắt, ngành chức năng Bình Dương đã thống nhất chọn tuyến Quốc lộ 13 đoạn thuộc địa bàn thị xã Bến Cát để thí điểm lắp đặt hệ thống camera theo mô hình này. Dự kiến hệ thống gồm 28 camera giám sát giao thông và giám sát vi phạm tín hiệu đèn giao thông tại 3 giao lộ thuộc tuyến đường Quốc lộ 13 trên địa bàn thị xã Bến Cát. Đây là các điểm phức tạp về giao thông được thí điểm.

Ngoài ra, hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, nơi có lượng phương tiện lưu thông đông, thường xuyên xảy ra ùn tắc sẽ bố trí 40 camera, bao gồm: 28 camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại 7 giao lộ, 8 camera đo đếm lưu lượng giao thông tại 4 giao lộ trên tuyến; 2 camera giám sát vi phạm đèn tín hiệu giao thông; camera giám sát vi phạm tốc độ tại 2 điểm dốc Gò Mỹ và ĐT.741. Dự kiến thời gian bắt đầu đưa vào vận hành từ quý II/2023.

Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ triển khai hệ thống camera giám sát cháy, giám sát an ninh, an toàn giao thông tại 205 điểm với 421 camera. Ở hạng mục này, dự án đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đang tổ chức thẩm định). Sau khi được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương, Công an tỉnh Bình Dương sẽ tiến hành thủ tục để trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, trình duyệt thiết kế chi tiết, tổ chức lựa chọn nhà thầu. Dự kiến thời gian bắt đầu đưa vào vận hành trong quý IV/2023. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua, mạng xã hội chia sẻ thông tin cho rằng 421 mắt camera với giá 500 tỷ đồng, nội dung ám chỉ mỗi mắt camera giá hơn 1 tỷ đồng khiến dư luận xôn xao.

MỚI - NÓNG