Thực hư gạo “dược liệu" chữa được ung thư

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Thời gian gần đây, gạo dược liệu đang gây sốt trên thị trường với lời đồn có thể chữa được bệnh hiểm nghèo và khắc chế ung thư (?). Tuy nhiên, loại gạo được xem như thực phẩm chức năng này có thật như lời đồn đoán hay chỉ là một chiêu trò kích giá?

Gạo dược liệu là tên gọi dân gian để chỉ chung những loại gạo có dược tính nhất định như: gạo hạt ngọc trời, gạo mầm Vibigaba, gạo lứt đen, gạo lứt đỏ, gạo huyết rồng... Loại gạo này chỉ trồng ở một số vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và một vụ mùa duy nhất trong năm nên loại gạo này không được bán rộng rãi trên thị trường.

Nhưng thời gian gần đây, loại gạo này được đồn thổi là có khả năng chữa nhiều bệnh, thậm chí là ung thư khiến giá gạo đội cao lên gấp nhiều lần và trở nên khan hiếm.

Không rõ những lời đồn thổi này có nguồn gốc từ đâu nhưng theo nhiều chủ cửa hàng gạo thì gạo “dược liệu” có công dụng giống như một loại thực phẩm chức năng chữa được bệnh tiểu đường và cả ung thư (?). Vì vậy, giá loại gạo này cũng cao gấp nhiều lần so với gạo thường.

Trong đó, gạo mầm đen gaba hữu cơ có giá cao nhất là 200.000 đồng/kg, các sản phẩm gạo dược liệu còn lại cũng có giá giao động từ 70.000-100.000 đồng/kg. Một số chủ cửa hàng giới thiệu các loại gạo khác có xuất xứ từ Nhật Bản.

Loại này được giới thiệu là gạo lứt Japonica nảy mầm hữu cơ, có chức năng điều hòa huyết áp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu, tăng trí nhớ và hỗ trợ tim mạch (?). Những lời quảng cáo thần kỳ đó đã làm cho gạo dược liệu trở nên “sốt sình sịch” trên thị trường, khiến người tiêu dùng đổ xô tìm kiếm dù giá gạo khá “chát”.

Tuy nhiên, những công dụng đó liệu có đúng sự thật hay không thì chính người bán cũng không hề chắc chắn, có chăng chỉ là lời truyền miệng, đồn thổi vô căn cứ. Theo GS Nguyễn Lân Hùng (Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam), gạo lứt có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng anthocyanin lớn nên được thị trường châu Âu rất ưa chuộng.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố cho thấy chất anthocyanin trong các loại gạo “dược liệu” là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý, khả năng chống ôxy hóa cao, có tác dụng làm giảm và phòng ngừa xơ vữa mạch máu, ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2…

Tuy vậy, việc loại gạo “dược liệu” có khả năng chữa bệnh ung thư hay không thì vẫn chưa có tài liệu hay công trình nào trên thế giới nghiên cứu và chứng minh. Việc đồn thổi công dụng loại gạo này thực chất chỉ phục vụ mục đích đẩy giá lên cao để trục lợi của một số tiểu thương, từ đó lan rộng ra khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng và mù quáng chạy theo.

Trả lời báo chí về vấn đề này, GS. Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp cho biết: “Gạo dược liệu bị nói quá và không đúng bản chất. Gạo không phải thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất cho quá trình chữa bệnh. Hiện tại Việt Nam chưa có một quy chuẩn nào về các loại gạo hữu cơ, gạo thảo dược kiểu này”.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG