Thực hư đền cầu tự và chuyện quan Pháp được Thánh ban con

Ngôi đền linh thiêng huyền bí.
Ngôi đền linh thiêng huyền bí.
Không chỉ đẹp về nét văn hóa lễ hội, những kiến trúc tinh xảo, đền Đông Cuông (Đông Cuông, Văn Yên, Yên Bái) còn nổi tiếng với những huyền tích kỳ bí linh thiêng như xin con của vị quan Pháp, người làng phá đền bị ốm... Vậy đâu là thực hư của những câu chuyện huyền bí này?

Chuyện Thánh mẫu "cho" con?

Ngược theo sông Hồng, cách thành phố Yên Bái hơn 50km sẽ gặp đền Đông Cuông, thuộc huyện Văn Yên. Ngôi đền được tọa lạc trong khuôn viên rộng, hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên, hình sông thế núi "rồng chầu hổ phục" âm dương hài hòa. Đền Đông Cuông (từ xa xưa thuộc Mường Khà, châu Quy Hóa, trấn Hưng Hóa) được bao bọc bởi vùng sơn địa ngát xanh cây lá, được định danh là vùng đất thiêng. Bên cạnh đền là Khe Cài, như nguồn mạch giữ cho đất vẻ nhuần hậu. Phía trước sông Hồng, lúc hiền hòa, lúc cuồn cuộn nổi sóng.

Theo các cụ cao niên trong làng, ngôn từ dân gian trước đây định danh “Đền Đông”, “Đền Mẫu Đông”. Khánh tự và sớ văn ghi rõ “Đông Quang linh từ”, còn thánh từ bây giờ là “Đền mẫu đệ nhị Thượng Ngàn”. Tích của các vị thần được tôn thờ ở đây có nhiều dị bản khác nhau, đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Theo thần Tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ đền và tế tự chép: Đông quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu. Như vậy trong tâm thức của bà con nơi đây, Mẫu Thượng Ngàn là con người thực, gắn liền với sông núi.

Thực hư đền cầu tự và chuyện quan Pháp được Thánh ban con ảnh 1 Lễ hội đền Con Cuông

Ông Hà Văn Giấy (SN 1941) làm thủ từ nhang khói cho ngôi đền nhiều năm, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về việc xin con của vị quan ba người Pháp vẫn được nhiều người dân làng Đông lưu truyền. Ngày đó phủ Yên Bái được cai trị bởi một vị quan ba người Pháp, ông này lấy vợ người Việt Nam, hai người ở với nhau lâu nhưng mãi không có con. Là người phương Tây nên vị quan ba này không tin mấy chuyện mang tính dị bản của người địa phương. Việc đi khám và áp dụng các biện pháp y học không có kết quả khiến hai ông bà cũng nản lòng.

Trong một lần đi qua thăm đền Đông Cuông, khi nghỉ lại đền, bà phu nhân của vị quan ba này mơ gặp Thánh mẫu hiển linh, báo mộng rằng nếu vị quan ba này chăm hương nhang cho đền, yêu thương, cai trị dân tốt thì trong nội một tháng sẽ có hỉ sự. Vị phu nhân của quan ba này đem chuyện mơ gặp Mẫu kể lại cho chồng, ban đầu vị quan ba này không tin lắm nhưng vì mong ngóng con cái quá lâu nên đã miễn thuế cho dân làng Đông và hàng năm chăm đến đền hương khói. Quả nhiên, không lâu sau, hai vị đã sinh quý tử. Ngày đất nước Việt Nam độc lập, vị quan Pháp từ chối trở về quê hương và quyết định ở lại mảnh đất thiêng này. Tuy nhiên, hiện nay gia đình vị quan ba này đi đâu, dân làng cũng đã cất công tìm nhưng vẫn chưa biết thông tin gì về họ.

Thực hư đền cầu tự và chuyện quan Pháp được Thánh ban con ảnh 2

Ông Hà Văn Giấy, thủ từ ngôi đền.
Ngôi đền bất khả xâm phạm?

Ông Hà Văn Hương, 80 tuổi, người làng Đông cho biết: "Đền Đông Cuông có từ rất lâu rồi, từ ngày tôi còn rất nhỏ, ông bà đã kể lại sự linh thiêng của ngôi đền. Trước đây, bao quanh ngôi đền là khu rừng rậm, giáp bờ sông Hồng, chính vì thế, nó được xem là ngôi đền bất khả xâm phạm, mang màu sắc mê tín dị đoan. Khi phong trào bài trừ mê tín dị đoan ở địa phương được tiến hành vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, một phần công trình kiến trúc đã bị phá hủy.

Theo ông Hương, ngôi đền vững vàng cổ kính, rêu phong xưa là “hồn vía” của làng đã bị phá bỏ mất một phần. "Khi đập phá đền, người ta đã cho các thiết bị máy móc hiện đại vào san, ủi. Khi máy vào đến nơi đang làm thì một cành cây to tự nhiên gãy, đập vào máy san, ủi làm chết máy ngay tại chỗ. Người điều khiển máy cũng sợ hãi, không thể điều khiển được đành phải dừng lại. Sau đó chính chiếc máy san, ủi khi đi về qua đường sắt đã bị tàu hỏa đâm nát. Ngôi đền này linh thiêng lắm, làm ở đây bao nhiêu năm tôi cũng đã tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện vì vô ý mạo phạm thánh thần mà phải làm lễ để tạ", ông Hương kể.

Cũng theo ông Hương, khi công cuộc tìm cổ vật lên ngôi, rất nhiều người đã tìm đến đền Đông Cuông. Hai con hạc ngự tại đền bị đánh cắp, nhưng đám trộm không thể mang hạc ra khỏi Yên Bái. Khi bọn ăn trộm đi đến Quy Mông (cũng trong huyện Văn Yên) thì không thể đi được nữa, nước dâng cao, sóng nổi lên cuồn cuộn. Đối tượng trộm đã gặp nạn và chết ngay tại bãi sậy giữa sông. Nhưng có một điều vô cùng lạ, hai con hạc không bị nước sông Hồng cuốn trôi mà lại được người dân tìm thấy, mang trả về đúng vị trí cũ.

Bà Đặng Thị Ngọc (một thành viên trong ban quản lý di tích xã Đông Cuông) cho biết: "Khi đền bị phá, rất nhiều gỗ quý, cột của đền cũng bị phá bỏ, nhưng họ không hề mang đi được, cũng không thể dùng được. Có người lấy đi một thời gian lại phải mang trả lại. Ngày trước có tảng đá lớn ngay cạnh đền cũng bị di chuyển để tiện cho máy móc ra vào, vài ngày sau viên đá lại nằm đúng vị trí của nó. Không chỉ vậy, nhiều người thành tâm đến đây cầu khấn cũng đã gặp may mắn, làm ăn, sức khỏe đều thịnh".

Người dân trong vùng đến giờ vẫn truyền tai nhau câu chuyện ông quan Pháp chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không sinh được con, đến đền cầu cúng, thành tâm, thời gian sau vợ sinh được quý tử. Vì thế, đền có thêm sự huyền bí về cầu tự. Hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ở Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh... mang lễ đến xin con.

"Chúng tôi cũng không khuyến khích họ đến đền để cầu xin con, nhưng những gia đình hiếm muộn thường có quan niệm có bệnh thì vái tứ phương. Làm thủ từ tại đây, tôi cũng mong họ cầu được ước thấy", ông Giấy (thủ từ đền) chia sẻ.

Còn nhiều truyền thuyết chưa thể lý giải

Ông Nguyễn Anh Tiến, Trưởng phòng Văn hóa huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Đền Đông Cuông là ngôi đền được truyền lại là vô cùng linh thiêng. Những câu chuyện được truyền trong dân gian, về sự huyền bí và có màu sắc tâm linh không ai có thể khẳng định là có thật. Cũng có thể chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên, sau đó một số người tin vào lĩnh vực tâm linh gắn thêm cho ngôi đền. Với trách nhiệm của cán bộ văn hóa chúng tôi, sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần của đền Đông Cuông và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số, đồng thời sẽ loại bỏ những câu chuyện mê tín dị đoan quanh ngôi đền".

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Đời Sống & Pháp Luật
MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.