Thực hư chuyện tu bổ như phá ở di tích quốc gia Đình Hoàng Cầu

Đình Hoàng Cầu trong quá trình tu bổ Ảnh: KỲ SƠN
Đình Hoàng Cầu trong quá trình tu bổ Ảnh: KỲ SƠN
TP - Dư luận rộ thông tin Di tích quốc gia đình Hoàng Cầu được trùng tu kiểu “đập đi xây mới”. Sự thật hé mở sau quá trình tận thấy công trình đang tu bổ, cũng như thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước.

XUỐNG CẤP

Đình Hoàng Cầu (phường Ô chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) được Bộ VHTTDL công nhận di tích quốc gia năm 2016. Ngôi đình được xây dựng thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ 17. Ông Nguyễn Văn Tịch, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích cho hay, trong kháng chiến chống Pháp các hạng mục di tích gốc đã bị phá hủy. Ngôi đình sau này được xây dựng lại bằng chất liệu xi măng cốt thép chứ không có cấu kiện gỗ.

“Trải qua thời gian, nguyên vật liệu ẩm thấp khiến di tích bị xuống cấp. Việc tu bổ tôn tạo là cần thiết”, ông Tịch nói. Một số người dân sống quanh đình cũng xác nhận thực trạng xuống cấp khiến bà con lo ngại trong quá trình sinh hoạt tín ngưỡng.

Trước đó, dư luận xôn xao trước thông tin đình Hoàng Cầu được đập đi xây mới thậm chí “chống lại văn bản của Bộ VHTTDL” trong quá trình thi công. Có mặt tại đình Hoàng Cầu, phóng viên ghi nhận đơn vị thi công đang thực hiện phần móng và nhà bao che. Nghi môn tứ trụ được giữ lại, không có chuyện đập bỏ. Đại diện BQL cho biết, toàn bộ hệ thống hiện vật có giá trị của di tích được bảo quản trong kho, tại đình và tại UBND phường Ô chợ Dừa.

UBND quận Đống Đa xây dựng dự án và giao BQL dự án đầu tư xây dựng quận làm chủ đầu tư thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Quận thực hiện đầy đủ thủ tục và tuân theo quy trình thẩm định của các cơ quan chức năng. Bộ VHTTDL có văn bản thỏa thuận tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đình Hoàng Cầu.

Theo thông tin từ đại diện BQL Dự án Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa, phương án thiết kế, nguồn kinh phí đầu tư và các thủ tục tu bổ tôn tạo được công khai để nhân dân được rõ. Quận cũng thành lập hội đồng đánh giá các hạng mục di tích. Trước khi hạ giải các hạng mục được tu bổ, đơn vị thi công phối hợp với chủ đầu tư, BQL di tích kiểm kê và lập danh mục hiện vật đem đi bảo quản.

Đối với các hạng mục tu bổ, quận Đống Đa khẳng định thực hiện theo văn bản của Bộ VHTTDL thẩm định dự án tu bổ và tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu: tu bổ cổng đình, tôn tạo Đại đình, Phương đình, nhà Mẫu, miếu thờ, nhà bia, bình phong, am hóa sớ, giếng đình, nhà phụ trợ, nhà vệ sinh, cổng phụ, tường rào và hạ tầng kỹ thuật. Bộ cũng lưu ý chủ đầu tư, đối với việc tu bổ cổng đình không phá dỡ để xây mới, cần chỉ rõ giải pháp tu bổ bằng cách gông bó, neo giữ, kích nâng để tu bổ, trám vá. Trong quá trình tu bổ Đại đình, Bộ thống nhất với Hà Nội về hình thức cửa, giảm quy mô am hóa sớ, không làm bia công đức.

BẢO TỒN GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Để làm rõ thông tin phản ánh việc tu bổ sai phạm do một số trang mạng nêu trước đó, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) xuống kiểm tra đình Hoàng Cầu. Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, thông tin “tu bổ như phá” hay “đập đi xây mới” tại đình Hoàng Cầu do một số trang tin đưa là không chính xác.

“Đình Hoàng Cầu là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng không phải là di tích loại hình kiến trúc nghệ thuật. Theo hồ sơ xếp hạng di tích năm 2016, các hạng mục của ngôi đình được xây dựng lại bằng gạch, xi măng đều có niên đại gần đây và không có giá trị kiến trúc nghệ thuật. Hơn nữa, các hạng mục được tôn tạo như Đại đình, Phương đình, nhà Mẫu... được xây lại bằng bê tông cốt thép, chắp vá và bổ sung qua các giai đoạn. Những hạng mục này qua thời gian bị ngấm dột, xuống cấp nghiêm trọng, yêu cầu cấp thiết phải tu bổ ”, ông Trần Đình Thành phân tích.

Thực hư chuyện tu bổ như phá ở di tích quốc gia Đình Hoàng Cầu ảnh 1 Hiện vật gốc được kiểm kê và bảo quản Ảnh: KỲ SƠN

Cũng không có chuyện tu bổ tôn tạo đình Hoàng Cầu “chống lại văn bản của Bộ VHTTDL” như một số trang tin đặt nghi vấn. Lãnh đạo Cục Di sản nói, dự án được thẩm định và triển khai đúng quy trình và quy định của pháp luật về tu bổ và tôn tạo di tích. Qua kiểm tra, Cục Di sản Văn hóa đánh giá các nội dung tu bổ, tôn tạo tuân thủ với lưu ý của Bộ tại văn bản thỏa thuận. Trong đó, Nghi môn tứ trụ đang được giữ nguyên để tu bổ.

Phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa trước đó lên tiếng về giá trị của di tích. Theo đó, giá trị cốt lõi của ngôi đình là hệ thống hiện vật rất đa dạng về chủng loại và chất liệu. Ngôi đình sở hữu 22 đạo sắc phong trải dài từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn: ba sắc thời Hậu Lê, năm sắc thời Tây Sơn, 14 sắc thời Nguyễn, 3 tấm bia đá trong đó có tấm bia dựng năm Chính Hòa (1680), một bia niên hiệu Tự Đức 31 (1880) và một bia niên hiệu Thành Thái 5 (1889), một chuông đồng niên hiệu Tự Đức. Long ngai, kiệu rước, hương án, chấp kích, sập thờ và các đồ tự khí được tạo tác thế kỷ 19-20.

Di tích còn lưu giữ hai pho tượng Phỗng cổ khá đẹp, có hình thức gần giống với đôi phỗng ở đền Bạch Mã (Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Giới nguyên cứu mỹ thuật cổ đánh giá khá cao yếu tố thẩm mỹ, kỹ thuật tạo tác pho tượng. Ông Trần Đình Thành đánh giá, các hiện vật của di tích đang được lưu giữ, bảo quản tốt tại các địa điểm. Hơn 60 hiện vật giá trị đã được kiểm kê, đánh số cẩn thận. Đây mới là những yếu tố gốc cần bảo vệ và gìn giữ.

Ngôi đình Hoàng Cầu là một trong số không ít di tích lịch sử đang xuống cấp, cần phải tu bổ, tuy nhiên mỗi lần tu bổ lại sinh lo ngại. Ông Trần Đình Thành nêu, đối với mỗi di tích cần tu bổ và tôn tạo thì cần xem xét và đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ xếp hạng để có phương án phù hợp. Trường hợp đình Hoàng Cầu là di tích mang giá trị lịch sử về địa điểm và hiện vật, không có các công trình kiến trúc gốc. Nhiều hạng mục công trình chắp vá trong quá trình tu sửa suốt mấy chục năm qua, vì thế Bộ VHTTDL lưu ý để đơn vị thi công thực hiện phương án tổng thể của một công trình tín ngưỡng truyền thống. Quá trình tu bổ và tôn tạo đình Hoàng Cầu vừa phải đảm bảo địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng cho cộng đồng, vừa đưa công trình về quy chuẩn truyền thống thay vì hiện trạng chắp vá trước đó.

Bộ VHTTDL hướng dẫn và thỏa thuận cụ thể đối với dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đình Hoàng Cầu. Đối với Đại đình, cửa gian giữa làm thượng song hạ bản, cửa hai bên làm bức bàn, các ván cửa không chạm hoa văn. Đơn vị thi công có thể tham khảo tư liệu để thiết kế chi tiết các con giống trên mái (kìm mái, con xô, đầu đao), các lớp đầu đao thấp dần từ ngoài vào trong (từ đầu rồng, guột vân mây đến công giống); không làm kìm mái trên bờ nóc Hậu cung vì đã có trụ đấu. Bộ thống nhất hình thức cửa, hổ phù, ván bịt đầu đốc và không làm kìm mái tại các hạng mục nhà Mẫu, miếu thờ.


MỚI - NÓNG