Trả lời Tiền Phong, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, thông tin trên là không đúng. Bởi vì hiện nay, đơn vị đang trình UBND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết theo hướng không làm chất lượng cao toàn bộ mà chỉ thực hiện chất lượng cao 1 phần.
Có nghĩa, khi thực hiện, năm đầu tiên tuyển sinh, học sinh lớp 10 sẽ thực hiện mô hình chất lượng cao, thu học phí theo mô hình này. Những lớp trên như lớp 11, 12 đang học theo chương trình đại trà, nếu phụ huynh không đồng tình vẫn tiếp tục học theo chương trình này và thu học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ như hiện nay (217.000 đồng/tháng).
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cũng cho biết, hiện nay Hội đồng UBND TP chưa duyệt, chưa quyết nên chưa có cơ sở pháp lý nào để khẳng định năm nào sẽ áp mô hình tự chủ cho các trường kể trên. Vì thế, các trường vẫn triển khai dạy học và thu học phí như hiện nay. Những trường đào tạo song bằng thu thêm học phí song bằng.
Chỉ khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình chất lượng cao, tự chủ tài chính, các trường sẽ áp mức thu theo Nghị quyết 14 của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội. Cụ thể, bậc THPT mức trần quy định không quá 5.700.000 đồng/ tháng.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng vì trước khi công bố chuyển đổi mô hình đào tạo chất lượng cao, nhà trường sẽ thông báo toàn thể phụ huynh. Nguyên tắc tính học phí cũng tính toán ở mức đảm bảo thu đủ chi, đồng thời phải có thông báo cho phụ huynh, học sinh vào đầu năm học.
Một lãnh đạo trường THPT cho biết, nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ… Trong đó, trình độ đội ngũ thừa tiêu chuẩn, cơ sở vật chất đang cố gắng hoàn thiện trong năm học này để chuyển đổi mô hình. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang là dự kiến. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình trường chất lượng cao, Hà Nội cũng quy định cụ thể về mức trần được phép thu hợp lý.