Để có nguồn cán bộ có chất lượng thì phải đổi mới không chỉ nội dung mà cả phương thức đào tạo bồi dưỡng, cách chọn đầu vào… Nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là nhân lực trẻ, không thể không tính đến kết quả của những năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Trong khi, các cải cách rất thiếu hệ thống như thời gian qua chưa giúp khắc phục được những bất cập gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nếu không thay đổi cách tư duy trong quá trình cải cách thì sẽ rất khó có đầu vào đảm bảo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
2. Về đội ngũ máy cái trong công tác này cũng cần có một sự huấn luyện chu đáo, không chỉ có bằng tiến sĩ, có học hàm giáo sư, phó giáo sư là đã đủ. Ngoài những kiến thức nền tảng thì chuyên môn nào cũng cần có chuyên gia, giỏi lý thuyết, giỏi thực hành để tham gia giảng dạy. Nhà trường đại học của ta rất thiếu cơ sơ thực hành. Tôi chưa thấy ở nước nào việc thành lập các trường đại học lại ồ ạt như ở nước ta những năm vừa qua. Trường cứ thành lập mà không hề kể đến đội ngũ thầy, cô giáo ra sao. Có trường chỉ đi mượn thầy là chính, cốt sao có đủ số lượng để trình lên cấp trên xin mở trường, chất lượng thật sự thì ít khi tính đến. Như thế mà hy vọng đào tạo được một đội ngũ những người lao động có chất lượng cao thì thật ảo tưởng. Lại còn cơ sở vật chất nữa. Tôi biết có trường Đại học đã gần 30 năm có kế hoạch chuyển đi nhưng cơ sở vật chất không có đành chịu vậy, chưa nói đến phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, chỗ ở cho sinh viên nội trú…đều xa vời. Đó là nhũng vấn đề cần có lời giải nghiêm túc khi bàn đến nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao thời gian tới.
3. Trở lại vấn đề nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng như đã nói ở trên, cần chú ý đến một vấn đề cơ bản của việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung mà giáo dục Việt Nam thời gian qua đã không chú ý đúng mức, thậm chí có khi bỏ quên, chỉ lo chạy theo kiến thức chuyên môn, đó là việc giáo dục cách sống, giáo dục đạo đức để làm người, giáo dục khát vọng vươn lên cho thanh niên. Càng chuyển sang kinh tế thị trường thì điều này càng cấp thiết. Việt Nam đang cần một cơ chế để khuyến khích khát vọng vươn lên mà không phải là các câu khẩu hiệu vô bổ. Chúng ta hiện đang chứng kiến không ít thanh niên ta đã xa rời nếp sống có văn hóa, có thuần phong mỹ tục để chạy theo lối sống xa hoa, đua đòi, nặng về vật chất chạy theo tiền bạc một các mù quáng. Điều đó đang làm cho tệ nạn xã hội ngày càng tăng trong giới trẻ. Nếu chúng ta muốn có văn hóa phát triển cân đối với kinh tế thì việc đầu tư cho văn hóa, giáo dục nhất định phải có sự tương xứng, phải tư duy lại về cải cách giáo dục.
4. Việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ từ nhà trường mà cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Cách đây mấy năm tôi có dịp đến thăm đại bản doanh của Tập đoàn SamSung tại Hàn Quốc. Trung tâm Nghiên cứu khoa học của Tập đoàn có 3.000 kỹ sư làm việc. Khách tham quan được giời thiệu các phát minh của Tập đoàn, từ chiếc ti vi đen trắng có kích thước rất lớn, đến ti vi mầu màn hình phẳng treo tường đủ kích cỡ. Các bo mạch, các con chíp, các loại vật liệu mới …đều được giới thiệu lai lịch, khả năng ứng dụng. Họ cho biết mỗi phát minh của kỹ sư đều được thưởng xứng đáng và được tôn vinh. Đội ngũ lao động có chất lượng cao của Tập đoàn đã ra đời và làm việc với một cơ chế như thế. Phải chăng cách làm đó chúng ta có thể học tập?
“Chúng ta rồi có thể phổ cập đại học, thạc sĩ, có nhiều tiến sĩ, giáo sư nhưng phát minh sáng kiến, công trình thì quá ít vì bảo vệ xong thì phần lớn công trình đưa ra bảo vệ lại chui và các ngăn kéo cán bộ, nhiều đề tài luận văn, luận án không thiết thực thì đưa vào cuộc sống thế nào đây? Câu chuyện “lò ấp tiến sĩ” mà báo chí đã nói nhiều mấy năm quả thật rất đáng để cho ai đẻ ra nó phải suy nghĩ. Có phải có tấm bằng tiến sĩ thì chất lượng sẽ cao ngay không để bằng mọi giá phải chạy cho ra cái bằng mới thôi?”