Đầu tư công tại TPHCM, Đông Nam bộ:

Thúc đủ cách vẫn không tiêu được tiền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống người dân song tiến độ nhiều dự án trọng điểm tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương vẫn chậm, “có tiền vẫn không tiêu được”, dù chính quyền và cơ quan chức năng đã nỗ lực thúc đẩy.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc, tỉnh Bình Dương thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 dài gần 13km với vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 4/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 nhưng đến nay có đoạn mới giải phóng mặt bằng đạt... 1,6%.

Thúc đủ cách vẫn không tiêu được tiền ảnh 1

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ Ảnh: HỮU HUY

Theo ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, dự án này đang bị gián đoạn, tạm ngưng thi công do vướng trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, các đơn vị, địa phương liên quan đang hoàn thiện các thủ tục xin điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bồi thường nhằm bổ sung các chi phí để thực hiện di dời lưới điện. Để đẩy nhanh tiến độ, trong thời gian chờ duyệt kinh phí, tỉnh Bình Dương đã cho phép chủ đầu tư dự án tạm ứng kinh phí để thực hiện di dời lưới điện.

Cũng tại Bình Dương, dự án đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dài 48km với vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng được khởi công cuối năm 2021, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2023. Đến nay, tổng khối lượng thực hiện của dự án mới đạt khoảng 43% do vướng hệ thống điện trung, hạ thế, hệ thống cấp nước sạch chưa được di dời để có mặt bằng thi công.

Ngoài ra, dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2022 song đến nay gói hệ thống kỹ thuật mới thi công đạt 92,2%. Gói thầu thứ hai về hệ thống khí y tế và vận chuyển mẫu bệnh phẩm thi công mới đạt 89%.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công dẫn đến các dự án chậm tiến độ chủ yếu liên quan đến quy định của pháp luật còn chồng chéo, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật... còn chậm. Tại Bình Dương. Tính đến nay, tỉnh có 7 đơn vị chủ đầu tư giải ngân đầu tư công thấp hơn mức bình quân của tỉnh và 10 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2023. Từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương mới đạt trên 5.020 tỷ đồng, chỉ bằng 33,5% so với kế hoạch.

“Trảm” nhà thầu thi công chậm

Từ đầu năm đến nay, TPHCM mới chỉ giải ngân khoảng 18.646 tỷ đồng, đạt 27,2% tổng số vốn được giao (68.490 tỷ đồng) do nhiều dự án triển khai ì ạch.

Trong số đó, dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức) nằm trong kế hoạch giảm ùn tắc khu vực cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) được khởi công vào tháng 2/2020 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đoạn đường Đồng Văn Cống (từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) dài 2,8km sẽ được mở rộng thêm hai làn ô tô, tăng lên 8 làn xe. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 42 tỷ đồng.

Dự án này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020, song bị chậm tiến độ kéo dài do nhà thầu gặp khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng và không thể đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Điều đáng nói, dự án không phải giải phóng mặt bằng, việc thi công thuận lợi nhưng đã chậm tiến độ 27 tháng và nhà thầu tạm dừng thi công từ tháng 6/2022.

Việc chậm trễ hoàn thành công trình làm lãng phí nguồn lực ngân sách và gây bức xúc trong dư luận. Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã chấp thuận chấm dứt Hợp đồng thi công dự án này đối với nhà thầu trên theo đề xuất của chủ đầu tư. Hiện nay, Ban Giao thông TPHCM đang nghiên cứu, lựa chọn nhà thầu thay thế để khởi động lại dự án.

Một dự án khác là công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2 và đoạn 4), thuộc địa bàn quận Bình Thạnh (TPHCM) cũng được thực hiện rất ì ạch. Kế hoạch vốn giao cho công trình chống sạt lở đoạn 2 là 105 tỷ đồng và đoạn 4 là 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, vừa qua, Sở GTVT TPHCM phối hợp với Ban Giao thông (chủ đầu tư) khảo sát và phát hiện dự án không được triển khai thi công.

MỚI - NÓNG