Thức cho dân ngủ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cán bộ chiến sĩ công an căng mình phòng chống dịch, lúc dịch vừa lắng xuống, họ lại ngày đêm đảm bảo an ninh trật tự những ngày Tết.

Mạnh tay xử “quái xế”, “ma men”

Nhằm chủ động phòng ngừa, tấn công và trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự đảm bảo cho nhân dân Thủ đô trong dịp Tết, Công an TP Hà Nội triển khai kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông… thực hiện xuyên suốt đến hết Tết Nguyên đán.

Sau thời gian giãn cách trên các tuyến đường quanh hồ Hoàn Kiếm, Võ Chí Công, cầu Nhật Tân, đường vành đai 2…thường xuyên xuất hiện những tiếng gầm rú của xe phân khối lớn độ pô hay những đoàn “xế độ” do các thanh niên “choai choai” cầm lái, kẹp 3, kẹp 4 đi với tốc độ cao, lạng lách, bấm còi inh ỏi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân.

Đêm trung tuần tháng 12, lực lượng Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội, các tổ công tác đặc biệt 141 phối hợp Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) lên kế hoạch ngăn chặn, xử lý. Các tổ công tác vừa bí mật vừa công khai tuần tra, cắm chốt trên tuyến đường Võ Chí Công và vườn hoa Lạc Long Quân đón lõng, xử lý 69 thanh niên điều khiển xe phân khối lớn. Trước đó, đêm 21/11 tại khu vực đường Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) tổ công tác liên ngành cũng ngăn chặn gần 40 “quái xế” học cấp 2, cấp 3.

Trung tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, phần lớn các đối tượng có hành vi tụ tập đi xe máy tốc độ cao, lạng lách trên các tuyến phố là thanh thiếu niên. Sự nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, bản tính ham vui, thích đi chơi đêm, tụ tập thành nhóm điều khiển xe máy gây nguy hiểm cho người xung quanh và chính bản thân đối tượng.

“Qua các vụ việc đã xử lý cho thấy các cháu thích tìm kiếm sự mới lạ, cảm giác mạnh trong việc chạy xe tốc độ cao, việc này cũng có một phần trách nhiệm của gia đình để con em đi chơi tới 1-2h sáng và giao xe cho con khi chưa đủ tuổi”, trung tá Công chia sẻ.

Còn thiếu tá Nguyễn Hoàng Hải - Tổ trưởng Y11/141 cho hay, một bộ phận thanh niên chưa tuân thủ quy định của pháp luật, ham mê độ xe với mục đích tăng tốc thể hiện bản thân. Do đó, ngoài việc tuyên truyền, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm để răn đe.

Không chỉ đảm bảo an ninh trật tự ban đêm, trong dịp Tết các tổ công tác CSGT Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý mạnh tay với “ma men”. Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn - Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đánh giá, vi phạm về nồng độ cồn là lỗi thường gặp của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Trong đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19 mọi người thường hay chủ quan và lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia.

“Tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia giảm so với trước đây. Vi phạm chỉ tập trung vào một số người lớn tuổi thường cả nể uống chén rượu vì nghĩ nhà gần có thể tự đi xe về được. Cũng có một số trường hợp người vi phạm không chấp hành, bởi họ không kiểm soát được lời nói và hành vi của mình”, đại úy Tuấn chia sẻ.

Thức cho dân ngủ ảnh 1

Thiếu tá Chinh kiểm tra xử lý vi phạm trong dịp cận Tết Dương lịch

Chuyện cảm động mùa dịch

Trong đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội lập 23 chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô. Ròng rã trong nhiều tháng, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế… không quản ngại gian khổ, tiếp xúc hàng nghìn lượt người mỗi ngày và đối mặt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho bản thân, gia đình.

Thiếu tá Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6 - chốt Trưởng chốt kiểm soát dịch số 17 cầu Trung Hà (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ, sau khi nhận chỉ đạo, ngay trong đêm 13/7, Ban chỉ huy Đội đi hơn 61km lên địa điểm dựng chốt.

“Dọc tuyến đường QL32 xung quanh là nhà dân nên không thể đặt chốt trước cửa nhà họ. Trong khi kiểm soát dịch khó tránh khỏi có trường hợp là F0 vào khai báo y tế và có thể làm lây lan dịch. Việc dựng chốt được xác định lâu dài nên phải lo chỗ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ cho cả chục con người” - thiếu tá Chinh kể.

Đại úy Tuấn khuyến cáo, dịp Tết khó tránh được việc mọi người đi thăm hỏi người thân, bạn bè và mời nhau rượu, bia, hãy sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển nhằm đảm bảo an toàn và luôn nhớ “đã uống rượu, bia là không lái xe”.

Theo thiếu tá Chinh, khổ nhất là anh em trực ca đêm phải thay nhau hai tiếng một lần để nghỉ ngơi, nhưng cũng chẳng ai chợp mắt được bởi ánh đèn pha ô tô chiếu thẳng vào mặt, tiếng xe siêu trường siêu trọng ầm ầm đi qua.

Có chiến sĩ vừa hết ca về tới đơn vị lại phải quay lên chốt trực 12-14 tiếng/ ngày vì đồng đội tiếp xúc trường hợp nghi nhiễm COVID-19, nhưng ai cũng vui vẻ và cũng chẳng có lý do gì mà từ chối. Nhiều lúc, anh em còn trêu đùa nhau “Ca trước may mắn gặp F0 nên được đi nghỉ dưỡng 7 ngày”.

Thiếu tá Chinh kể quá trình trực chốt xảy ra một số vụ việc “éo le” như người lao động phổ thông ở Hà Nội mất việc làm, không có tiền trang trải sinh hoạt và trả tiền thuê trọ, họ đi bộ 50-60km từ trung tâm thành phố ra khu vực cầu Trung Hà, với mong muốn được qua chốt về quê.

Thức cho dân ngủ ảnh 2

Kiểm tra người đi xe máy độ pô

“Nhóm 10 công nhân quê Sơn La làm việc ở Đông Anh (Hà Nội) liên hệ dịch vụ nhận chở chui trên mạng để qua chốt về Sơn La với dịch vụ “bao” test COVID-19, họ đưa hết tiền cho lái xe. Tuy nhiên, lái xe chỉ chở đến Bệnh viện Ba Vì sau đó bỏ về. Chốt phải liên hệ để họ được xét nghiệm miễn phí và trao đổi với chính quyền nơi cư trú, hỗ trợ đưa đón về cách ly, theo dõi… tạo điều kiện cho họ qua chốt”, thiếu tá Chinh chia sẻ.

Ngoài công tác kiểm soát dịch, Đội CSGT số 6 được giao nhiệm vụ dẫn đoàn người dân từ miền Nam trở về nhà, kéo dài trong 3 tuần. Hằng ngày, 3 kíp dẫn thay nhau trực 24/24.

Có hôm Đội CSGT số 6 dẫn đoàn 65 người từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ về qua cầu Trung Hà, lúc này, một sản phụ mang thai 8 tháng trở dạ trong ô tô. Tình thế cấp bách, cán bộ chiến sĩ nhờ xe đưa vào Bệnh viện Quân y 105 Sơn Tây. Trên đường, sản phụ sinh trên xe và rất may tới bệnh viện các bác sĩ kiểm tra hai mẹ con khỏe mạnh…

MỚI - NÓNG