Từ ấn tượng Trương Nghệ Mưu
Thế mạnh du lịch của Việt Nam đã quá rõ rệt và căn bản: phong cảnh thiên nhiên cẩm tú với núi non hùng vĩ, tráng lệ; những bờ biển hấp dẫn nhất hành tinh; những vịnh biển kỳ thú, ngoạn mục; những khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ và công viên địa chất toàn cầu; những đô thị cổ kính in đậm dấu ấn của các nền văn minh; nền ẩm thực và văn hoá nghệ thuật dày dặn, phong phú…
![]() |
Các màn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ Ảnh: Hồng Vĩnh |
Bản lý lịch của du lịch truyền thống Việt Nam vô số những gạch đầu dòng hấp dẫn, khiến các quốc gia khác phải thèm muốn, tuy nhiên, chúng ta lại thiếu một nghệ nhân kể chuyện để đóng gói chúng thành một sản phẩm du lịch hoàn hảo độc đáo, hấp dẫn, trưng trổ đầy đủ các thành phần hảo hạng từ thiên nhiên đến con người, từ văn hoá đến lịch sử, từ nghệ thuật đến cuộc sống dân sinh, từ nghe nhìn đến nhai nếm, từ khai mở trí tưởng tượng đến hưởng thụ bằng mọi giác quan.
Và đấy là chỗ trống chờ sẵn sự xuất hiện của thực cảnh - một sản phẩm du lịch, nhưng có thể kể những câu chuyện về một vùng đất, một cộng đồng dân sinh bằng ngôn ngữ của nghệ thuật hay trình diễn nhờ sự hỗ trợ, thúc đẩy đắc lực của công nghệ giải trí hiện đại.
![]() |
Du lịch Việt Nam đã có những sản phẩm mang dấu vết sơ khai của thực cảnh, chẳng hạn như màn chèo thuyền hát quan họ ở hội Lim (Bắc Ninh), những màn diễn xướng “linh tinh tình phộc” ở trò Trám (Phú Thọ), lễ cúng Tịch Điền (Hà Nam) hay tế đàn Nam Giao (Huế)…
Tuy nhiên, đây chỉ là những mảnh nhỏ của lễ hội ở từng làng, từng vùng. Thực chất, lễ hội làng xã chính là một màn thực cảnh nguyên thuỷ, bột phát mà chưa có dấu ấn công nghiệp hoá văn hoá để biến nó thành một sản phẩm hoàn thiện phục vụ cho du lịch.
Với số lượng gần hơn 7.000 lễ hội dân gian, hơn 300 lễ hội lịch sử, hơn 500 lễ hội tôn giáo trong 1 năm, có thể thấy rằng, Việt Nam đang sở hữu một gia tài, một kho nguyên liệu khổng lồ để tạo nên thực cảnh, mở ra hướng khai thác du lịch mới mẻ nhưng đậm tính truyền thống, hấp dẫn và độc đáo bên cạnh những lợi thế cũ.
![]() |
Bởi thực cảnh về bản chất là màn biểu diễn ở quy mô lớn, được tổ chức có lớp lang, bài bản như một câu chuyện, một tác phẩm nghệ thuật, với số lượng diễn viên đông đảo lên tới cả nghìn người, trên một sân khấu vượt tầm mọi quy ước cơ bản, gồm các không gian thực như núi - sông - đảo - phố phường - làng mạc…
Chất liệu của câu chuyện cũng chính là những khía cạnh mà chúng ta đã dùng vào làm du lịch như văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, lề thói, nếp sống, những đặc sản của bản địa và triết lý nhân sinh quan của địa phương, cộng đồng được diễn tả trong thực cảnh.
Trên thế giới, loại hình thực cảnh đã xuất hiện từ lâu, khoảng cuối thập niên 1970. Khi đó, đạo diễn Philippe de Villiers người Pháp đã trình diễn cho thế giới thực cảnh “Cinescenie” vào năm 1978, một sản phẩm còn tồn tại cho đến tận ngày nay, với quy mô ngày một lớn hơn.
Nhưng khi đó, thực cảnh vẫn thuộc về lãnh địa nghệ thuật hơn là du lịch, cho dù nó nằm trong khái niệm về du lịch. Phải đến khi đạo diễn tài hoa người Trung Quốc là Trương Nghệ Mưu dồn công sức để tạo ra chuỗi thực cảnh có tên chung khởi đầu là “Ấn tượng” theo đơn đặt hàng của ngành du lịch Trung Quốc, thì thực cảnh mới trở thành một sản phẩm phục vụ cho du lịch thuần tuý.
Khó có thể diễn tả được cảm xúc của khán giả khi lần đầu chạm vào thực cảnh “Ấn tượng” của Trương Nghệ Mưu. Đó là cảm giác khi khán giả thế giới chứng kiến lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, bởi vượt quá tầm vóc một sự kiện thể thao, nó đã trở thành một thực cảnh choáng ngợp với hàng chục nghìn người tham gia, hàng triệu tấn thiết bị dự phần, cùng các công nghệ trình diễn siêu tưởng.
Sau sản phẩm có thể coi là thực cảnh đầu tiên đó của mình, Trương Nghệ Mưu đã tạo ra chuỗi thực cảnh đặc sắc, chân thực, choáng ngợp cho từng vùng du lịch của Trung Quốc như Ấn tượng Trương Gia Giới (Thiên Môn Hồ Tiên), Ấn tượng Tây Hồ (Hàng Châu), Ấn tượng Đại Hồng Bào (Phúc Kiến), Ấn tượng Lệ Giang (Vân Nam), Ấn Tượng Phổ Đà (Chiết Giang)…
Ví dụ như ở Ấn tượng Trương Gia Giới, Trương Nghệ Mưu đã dựng sân khấu dưới chân núi Thiên Môn, biến ngọn núi và thung lũng thành nền sân khấu. Chưa giờ thế giới được chứng kiến một show diễn thực cảnh hoành tráng như thế với tổng diện tích 19.880 mét vuông, trong đó có sân khấu chính bằng kính rộng 10.000 mét vuông, phối hợp cùng hệ thống ánh sáng, âm thanh hoành tráng, tinh xảo và vô cùng mãn nhãn.
![]() |
Giờ đây, các thực cảnh của Trương Nghệ Mưu đã trở thành con gà đẻ trứng vàng cho du lịch Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, riêng thực cảnh “Ấn tượng Lệ Giang” đã có doanh thu 80 triệu NDT (tương đương 270 tỷ VND) với mức lợi nhuận là 110 tỷ VND.
Từ đó, làn sóng thực cảnh lan khắp nơi. Du lịch Hàn Quốc tự hào với “Yến tiệc của hoàng hậu”, Cambodia hãnh diện với “Nụ cười Ăng-ko”, Thái Lan nở mặt với “Siam Niramit”, nước Pháp ngoài “Cinescenie” được làm mới mỗi năm còn có “Cối xay đỏ” dưới chân đồi Montmartre…
Đến cuộc chơi thực cảnh ở Việt Nam
Thực cảnh đầu tiên của Việt Nam là “Tinh hoa Bắc Bộ” do đạo diễn Nguyễn Việt Tú trình làng năm 2016, và lập tức gây tiếng vang.
Sân khấu của thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” nằm trên một mặt hồ rộng 4.300 mét vuông, dựa vào chân núi chùa Thày (Quốc Oai, Hà Nội), với 250 diễn viên, đa phần là bà con nông dân trong vùng. Đến năm 2017, thực cảnh này đã được trao giải vàng Stevie Award châu Á - Thái Bình Dương.
Màn trình diễn là sự tổng hòa của hình ảnh, âm thanh, vũ đạo, nhào lộn, múa rối…để tái hiện lại những truyền thuyết và văn hóa dân gian Việt Nam được chia thành 6 phần thể hiện cho văn hóa, tín ngưỡng của người Việt trong lao động, học vấn, tri thức, hội làng, điêu khắc, kiến trúc.
Từ phát pháo lệnh này, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều thực cảnh do chính các hãng du lịch đặt hàng để có được sản phẩm du lịch của riêng mình. Đây không phải là một trào lưu, mà thực sự, những người làm du lịch Việt Nam đã nhìn thấy tiềm năng to lớn mà thực cảnh đem lại.
Sau “Tinh hoa Bắc bộ", đạo diễn Việt Tú đã trình làng thực cảnh “Tinh hoa Việt Nam” tại đảo ngọc Phú Quốc năm 2021. Đây là thực cảnh được dàn dựng kết hợp với công nghệ trình chiếu hiện đại, quy mô bậc nhất từ trước tới nay, với kinh phí đầu tư lên tới hàng triệu USD, kéo dài trong 300 phút.
Tiếp nối là những thực cảnh gây tiếng vang tại các vùng du lịch, từ “Ký ức Hội An” của đạo diễn người Trung Quốc Mai Soái Nguyên, tới “Vũ điệu trên mây” ở đỉnh Fanxipan (Sapa, Lào Cai), rồi “Chuyện tình bản Giốc” (Trùng Khánh, Cao Bằng) hay mới nhất là “Huyền tích U Va” (Điện Biên)…
Chỉ trong chưa đầy 1 thập kỷ, du lịch Việt Nam đã có hơn 10 tác phẩm thực cảnh, với chi phí sản xuất lên tới cả chục triệu USD như “Ký ức Hội An”. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ khoa học trong lĩnh vực trình chiếu, trình diễn, kỹ xảo đã đẩy mạnh việc sản xuất thực cảnh, bên cạnh những lợi ích kinh tế.
Chính vì thế, ngành du lịch đã coi thực cảnh là một sản phẩm quan trọng để nâng cánh du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bằng những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hoá của đất nước. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.
Và chúng ta thấy rõ rằng, thực cảnh là một sản phẩm du lịch vừa có thể chuyển tải được lịch sử, văn hoá Việt, vừa làm mới những sản phẩm du lịch văn hóa. Do đó, “biểu diễn thực cảnh” tại những điểm đến du lịch lớn sẽ gánh vác một phần trọng trách mà Chính phủ đề ra.
Nguyên liệu cho thực cảnh chính là các cốt truyện lịch sử, văn hóa ở từng vùng miền, từ đó xây dựng các khái niệm vùng du lịch mới bên cạnh những giá trị có sẵn. Hoàng thành Thăng Long, cung đình Huế, hành trình khẩn hoang miền Tây… là những chất liệu rất tốt để tạo ra các thực cảnh.
Lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan đặc sắc, khác biệt ở mỗi vùng miền cũng là một lợi thế lớn. Chúng ta có thể lấy danh lam thắng cảnh của địa phương làm nền để dựng sân khấu, tái hiện cuộc sống ngày xưa theo ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống và sự hỗ trợ của trang thiết bị, hiện đại.
Như thế, thực cảnh sẽ trở thành một sản phẩm có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nước nhà!