Công viên địa chất Đắk Nông:

Thừa tiêu chí công nhận công viên địa chất toàn cầu

Vẻ đẹp của hang động núi lửa.
Vẻ đẹp của hang động núi lửa.
Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông có tiềm năng phong phú về di sản văn hóa, di sản thiên nhiên. Điểm nổi bật của công viên là hệ thống các hang động ở đây được hình thành trong đá bazan chứ không phải đá vôi như đa số các hang động khác tại Việt Nam…

55 điểm di sản địa chất, 7 điểm tầm quốc tế

Trong chuyến khảo sát thực địa của Đoàn chuyên gia UNESCO, TS.Guy Martini - Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới CVĐC toàn cầu đã nhận định, CVĐC Đắk Nông rất đặc biệt, khác với nhiều CVĐC khác. Công viên này hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Tỉnh Đắk Nông dự kiến xây dựng CVĐC núi lửa với diện tích hơn 4.000 km2. Theo yêu cầu của UNESCO, CVĐC toàn cầu phải có ít nhất 40 điểm di sản địa chất, trong đó, có ít nhất một di sản địa chất có giá trị mang tầm quốc tế. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định, CVĐC Đắk Nông có 55 điểm di sản địa chất, trong đó, có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế. Hiện tỉnh Đắk Nông đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến CVĐC Đắk Nông để tháng 11/2018 sẽ đệ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Đây là danh hiệu cao quý do tổ chức UNESCO thẩm định và công nhận dựa trên các tiêu chí định sẵn. Dự kiến, cuộc thẩm định chính thức của UNESCO sẽ diễn ra vào tháng 7/2019.

Với diện tích khoảng 2.000 km2, CVĐC Đắk Nông trải dài từ huyện Krông Nô kéo sang một số xã lân cận của các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Vào năm 2007, với sự tài trợ của UNESCO, các nhà địa chất của Bảo tàng Địa chất, thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng CVĐC và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông”.

Phía hạ nguồn sông Sêrêpốk, thác Trinh Nữ trên nhánh Krông Nô với những tảng đá bazan dạng cột to lớn, màu đen có tuổi địa chất từ 2 đến 5 triệu năm nằm giữa dòng sông, hoặc nhô ra từ bờ mang những hình thù lạ mắt. Trinh Nữ là một thác nước đẹp nổi tiếng. Tuy dòng đổ không trải rộng, ầm ào như chuỗi thác nguồn Gia Long-Dray Sap- Dray Nu gần đó, nhưng Trinh Nữ lại đặc biệt hùng vĩ với vô số tảng đá, thỏi đá, cột đá, thành đá chồng chất muôn hình vạn trạng. Nhóm khảo sát được đồng bào Ê Đê, M’Nông sống ven sông cung cấp thông tin: Quanh đây có rất nhiều hang tối, đồng bào thường vào bắt dơi về ăn. Hang rất sâu, người thường không có phương tiện hỗ trợ không đi hết được... Nhờ dân bản địa dẫn đường, các nhà khoa học sững sờ phát hiện cả một hệ thống hang động núi lửa khổng lồ, đan xen chằng chịt dưới bề mặt đá bazan lởm chởm.

Phát hiện khảo cổ học tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa

Theo kết quả công bố của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Hiệp hội hang động Nhật Bản, hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô thuộc CVĐC Đắk Nông có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, với tổng chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp.

CVĐC Đắk Nông hiện hữu tới 7/10 kiểu di sản địa chất theo phân loại của UNESCO và được đánh giá là hang động dung nham dài và đẹp nhất Đông Nam Á. Đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học đã tiến hành đo chi tiết được 3 trong số hơn 12 hang động. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm.

Một trong những giá trị của hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô là hoàn toàn hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. Mới đây các nhà khảo cổ học còn phát hiện trong hang động núi lửa Krông Nô có nhiều di vật khảo cổ là bằng chứng con người tiền sử sinh sống tại đây từ hậu kỳ đồ đá cũ (6.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (4.000 đến 3.000 năm trước công nguyên) làm cho vùng đất huyền thoại này thêm phần kỳ bí, hấp dẫn. Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật hang động trong núi lửa Krông Nô thuộc CVĐC Đắk Nông, trong đó có hiện vật đồ đá, đồ gốm…

Quan trọng và đặc biệt nhất, là việc phát hiện ra một bộ xương người được được chôn cất theo tư thế gập chân bó gối còn tương đối nguyên vẹn và một vỏ hến bên cạnh đang nằm dưới hố khai quật… Ngoài ra trong hố còn phát hiện được hộp sọ và một cái răng của người chưa trưởng thành… Trong hố khai quật, ngoài việc phát hiện bộ xương người tiền sử, còn có các dấu tích phân khu nhà ở, khu mộ táng… 

Việc phát hiện ra một bộ xương người trong hang động núi lửa Krông Nô là điều đặc biệt quan trọng và ý nghĩa, gây “chấn động” giới khoa học. Bởi lẽ, đây là phát hiện khảo cổ học tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên và Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên phát hiện được bộ xương người trong hang động núi lửa - một trong những hang động lớn nhất Đông Nam Á. Những phát hiện khảo cổ học này sẽ được bổ sung một loại hình cư trú mới, một hướng thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên. Từ đó sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Khai thác những tiềm năng phát triển du lịch

Bên cạnh giá trị về địa chất CVĐC Đắk Nông còn sở hữu những di sản địa mạo quý giá như hồ, thác nước tự nhiên đẹp thơ mộng và hùng vĩ: Hồ Ea Snô, Hồ Trúc, Hồ Tây, Thác Đray Sáp, Thác Trinh Nữ… Cùng với đó là bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ót Ndrong, cùng hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp và một phần phía Nam Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực CVĐC Đắk Nông.

Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng vùng CVĐC của tỉnh Đắk Nông vẫn khá nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với cộng đồng chưa thể triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trong số rất nhiều hang núi lửa Krông Nô, không phải hang nào cũng phù hợp với hoạt động du lịch vì một số hang có lớp đá trần hang rất mỏng và yếu, có thể sập xuống bất ngờ. Ngoài ra, hang động núi lửa còn là nơi cư trú của bò cạp và các loài rắn độc như cạp nong, cạp nia... Một số miệng hang còn có nhiều rắn lục đeo quấn trên cành cây, ai bất cẩn chạm vào dễ mất mạng như chơi.

Trong các ngày từ 7-11/10/2018, Đoàn khảo sát thực địa của UNESCO đã tiến hành tham quan, khảo sát 44 điểm di sản địa chất, văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra 3 tuyến du lịch CVĐC Đắk Nông gồm: Tuyến 1: Gia Nghĩa-Quảng Sơn-Krông Nô; tuyến 2: Cầu Sêrêpốk-Gia Nghĩa; tuyến 3: Gia Nghĩa-Tà Đùng.

Theo Theo Pháp luật Việt Nam
MỚI - NÓNG