Chuyện ở “công viên địa chất toàn cầu”

Thác Bản Giốc. Ảnh: h.d
Thác Bản Giốc. Ảnh: h.d
TP - Trên đường về quê dịp 30/4 vừa qua, anh lái xe người Cao Bằng hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: “Rồi Cao Bằng sẽ thay da đổi thịt nhờ du lịch.  Khách sạn sang trọng, resort đã và đang mọc lên…”. Anh còn vẽ ra nhiều viễn cảnh khác nữa trên mảnh đất vừa được UNESCO công nhận là  công viên địa chất toàn cầu.

12 giờ 56 phút giờ Paris ngày 12/4 vừa qua, Công viên địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, bao gồm 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An. Khỏi phải nói, người dân nơi đây vui mừng thế nào, họ biểu hiện cảm xúc theo những kiểu khác nhau: Người trẻ tuổi chia sẻ thông tin và bộc lộ niềm hân hoan trên mạng xã hội.

Còn như anh lái xe nọ chọn cách giản dị và thiết thực, “quảng cáo” ngay trên chuyến xe khách đường dài. Anh mơ ước Cao Bằng cũng sẽ  như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của nước ta: Khách du lịch sẽ đổ về nườm nượp, nào khách tây, nào khách ta. Rồi người Cao Bằng sẽ giao tiếp bằng tiếng Anh hoạt bát không kém gì tiếng Tày… Đó là những ước mơ có cơ sở. Bây giờ, trên những chuyến xe khách từ Hà Nội về Cao Bằng đã gặp không ít khách tây, tây trắng, tây đen đủ cả. Người Cao Bằng cũng bắt đầu ý thức  làm kinh tế từ du lịch, đã thấp thoáng có những homestay mọc lên với những cái tên nửa Tây, nửa Tày, thí dụ: Khuổi Ky Homestay…

Chuyện ở “công viên địa chất toàn cầu” ảnh 1 Một góc hồ Thang Hen.

Một trong những đặc tính của người Cao Bằng, tôi nhận thấy qua mấy chục năm quan sát, đó là tính tự tôn quê hương khó bì. Thế nên tôi không lạ khi anh lái xe  hớn hở báo cáo thành tích quê nhà. Trước đây, trên những chuyến xe khách từ Cao Bằng xuống Hà Nội, chủ nhà xe luôn chủ động dán một câu ngay trên mặt kính : Cao Bằng boonghây (tức Cao Bằng chúng ta). Nhìn quanh cả bến xe khách ở thủ đô, chẳng thấy chiếc xe của tỉnh nào có “biển quảng cáo” hùng hồn  vậy. Cứ lên xe, các lái xe lại bật bài hát: “Lên Cao Bằng quê em, chưa rõ phố phường đâu/Chỉ lấy đường, chỉ lấy đèo làm vui làm đẹp”. Chắc  bây giờ, Cao Bằng đã thấy phố, phường rực rỡ nên các lái xe tự nguyện cất bài hát đó đi? Tinh thần tự tôn quê hương của họ lớn đến độ có khả năng lây nhiễm sang những người sống cạnh.

Lại nhớ  chuyện nhà văn Tạ Duy Anh, lấy vợ người Cao Bằng, ngoài bị mê ẩm thực Cao Bằng còn nhất định phong tặng chị em mảnh đất vùng cao này danh hiệu: Không người mẹ nào chiều con, yêu con bằng người mẹ Cao Bằng. Đúc kết  được ông suy ra từ chính vợ mình. Còn về sự nồng hậu của người Cao Bằng thì khỏi phải nói. Cố nhạc sỹ Thuận Yến từng phổ nhạc một bài thơ của nhà thơ Y Phương, có đoạn: “Lên Cao Bằng quê em/Xin anh đừng làm lạ/Mời rượu cả chum/ Mời quả cả cây/ Tết tháng giêng hẹn từ tháng bảy/Tin nhau không nói nhiều lời”. Phải chăng xưa kia, cụ  Nguyễn Bỉnh Khiêm khi giải cứu nhà Mạc lâm nguy bằng lời sấm: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô” (Nếu chạy lên Cao Bằng sẽ tồn tại 3 đời), cũng đã nghĩ rằng, ngoài những ưu điểm về địa lí, chính trị, Cao Bằng còn có ưu thế ở tính cách con người hồn hậu, sẽ chở che  nhà Mạc trong giai đoạn hỗn loạn với sự cùng tồn tại của 3 vương triều, nhà Mạc, nhà Nguyễn, Nhà Trịnh. Ở giai đoạn đẩy mạnh phát triển du lịch, tính cách đáng quí này của người Cao Bằng chắc chắn sẽ là một điểm cộng, níu chân du khách.

Chuyện ở “công viên địa chất toàn cầu” ảnh 2 Lối vào động Ngườm Ngao nổi tiếng.

Chứng minh hay tranh luận về vẻ đẹp non nước Cao Bằng, bây giờ là thừa. Thác Bản Giốc của Cao Bằng luôn lọt vào top những thác nước kỳ vĩ nhất và có vẻ đẹp “nghẹt thở” nhất do các trang du lịch quốc tế bình chọn. Nhưng Cao Bằng không chỉ có Thác Bản Giốc. Nếu ai chưa từng đến đây chỉ cần  tra “google” sẽ ra một loạt chỉ dẫn những điểm nên đến:  Khu di tích Lịch sử Pác Bó,  Động Ngườm Ngao, Hồ Thang Hen… Nhưng đã đến Cao Bằng thế nào cũng phải ghé qua thành phố Cao Bằng, một thành phố bao quanh bởi núi, có những con phố nhỏ xinh, duyên dáng như thơ Xuân Diệu “Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu”.

Trước đây, một vị nhạc sỹ nổi tiếng đã tụng ca thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng) bằng một ca khúc dành cho thiếu niên: “Nơi đây có ba dòng sông, nơi đây có bốn ngọn núi/ Giữa điệp trùng nước non một màu xanh mênh mông tuyệt vời”. Nhưng nếu ai sinh ra, lớn lên ở Cao Bằng có lẽ đều có chung thắc mắc: Chẳng biết có phải vị nhạc sỹ nổi tiếng nọ vì mê “điệp trùng nước non” mà tặng thêm cho Cao Bằng một con sông?  Thực tế, thành phố Cao Bằng chỉ có hai con sông, Bằng giang, Hiến giang và một con suối (suối Củn).  Sông Bằng của những ngày tháng xa xăm nước tràn mênh mang, có những con đò, những chuyến phà lại qua, tạo nên cảnh tượng vừa đông vui, vừa thi vị. Nhưng nay đò không còn đã đành, mà nước sông cũng cạn, rác thải (chủ yếu là rác thải sinh hoạt) bám trên bờ sông, trên mặt sông khiến sông Bằng thuở nào biến thành con sông bị ô nhiễm nặng, tuyệt vọng cất lời kêu cứu.

Những năm gần đây, khi nhu cầu thực phẩm sạch tăng cao, người thủ đô  lùng rau sạch vùng cao, trong đó rau Cao Bằng cũng là một trong những “địa chỉ đỏ”. Người xuôi lên Cao Bằng công tác hoặc du lịch, thường mang về khá nhiều rau xanh. Song ai dám chắc, cứ rau Cao Bằng là đảm bảo sạch, khi vấn đề ô nhiễm môi trường ở tỉnh này còn nan giải? Ngoài dòng sông ô nhiễm, Cao Bằng còn oằn mình với việc xử lí các bãi rác. Một số bãi rác  gây ô nhiễm nghiêm trọng có thể kể đến như bãi rác thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm), bãi rác thị trấn Nguyên Bình, bãi rác huyện Trùng Khánh… Người Cao Bằng luôn tự hào quê mình là đẹp nhất nhưng không hẳn đã có ý thức trong việc bảo vệ và duy trì cái đẹp, cũng là bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Lại nhớ đến những việc tôi từng chứng kiến khi tham quan danh thắng của tỉnh Cao Bằng. Dù người ta  tự hào quê mình có những hang động đẹp không đâu sánh bằng song vẫn thản nhiên chặt những mỏm đá đẹp trong hang động mang về nhà, rồi cũng lại hồn nhiên thả gia súc để chúng tự do phóng uế bừa bãi ở những điểm du lịch, trong khi đó những chỗ vệ sinh của du khách lại thiếu và yếu. Một chuyện thật như đùa: Thành phố Cao Bằng có không ít tuyến phố văn minh, nhiều nhà đẹp mọc lên, nhiều xe đẹp xuất hiện nhưng hình như không thể tìm thấy một thùng rác công cộng. Ở trung tâm của tỉnh đã vậy thì những danh thắng rải rác ở các huyện lị sẽ thế nào? Thật khó trách khi du khách xả rác bừa bãi.

Chuyện ở “công viên địa chất toàn cầu” ảnh 3 Khung cảnh nhìn từ chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc.

Quay lại chuyện rau sạch. Gần đây, tôi có nghe nhiều người mách và báo chí cũng đã phản ánh: Rau Cao Bằng bây giờ có khi không phải do người Cao Bằng trồng. Mấy năm gần đây, Cao Bằng trở thành “miền đất hứa” thu hút khá đông người xuôi lên lập nghiệp. Họ thuê đất, mua đất để trồng rau và bán lại cho người Cao Bằng. Một nghịch lí đã và đang tồn tại. Chuyện người nông dân ở vùng cao bỏ ruộng, vườn không còn lạ. Cái nghề “một nắng hai sương” có lẽ không mang cho người ta hi vọng vào cuộc đổi đời. Nhưng thoát nghèo đâu dễ như mơ. Cách đây vài tháng, tôi có dự một buổi bảo vệ luận án tiến sỹ của một đồng hương Cao Bằng xoay quanh chủ đề: Hôn nhân của người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Điều khiến tôi đặc biệt lưu tâm, không ít thiếu nữ Lô Lô ở huyện nghèo nhất, nhì tỉnh Cao Bằng đã sang Trung Quốc lấy chồng. Vị nghiên cứu sinh giải thích nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn đáng buồn đó và thẳng thắn đề cập: Do sức hút của nhân dân tệ. Các cô gái với hiểu biết hạn hẹp chỉ nghĩ giản dị: Lấy chồng Trung Quốc dễ dàng đổi đời, vì nhân dân tệ quy ra tiền Việt rất… có giá. Một sự hồn nhiên đến xót xa!

Khi Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, không ít người dân bản địa  rộn ràng với công cuộc kinh doanh homestay. Nhưng nếu kinh doanh homestay chỉ  đơn thuần cung cấp dịch vụ chỗ ngủ, phục vụ nấu ăn thì chưa đáng gọi là homestay đúng nghĩa. Các chủ homestay có lẽ quên mất nhiệm vụ giúp du khách thưởng thức bản sắc văn hóa của mảnh đất họ đặt chân đến. Nhưng những người già rồi cũng về với núi non, những người trẻ mải mê với công cuộc đổi đời,  bản sắc văn hóa  mai một là hồi chuông cảnh báo. 

“Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trảy nước non Cao Bằng”

Ngày hôm nay, hành trình đến Cao Bằng không còn gian nan, xa lắc như câu ca dao xưa. Không xe lửa, không máy bay, lên Cao Bằng chỉ có lựa chọn duy nhất: Đường ô tô. Có khá nhiều chuyến xe khách chạy trong đêm, trong ngày. Sau một giấc ngủ trên chuyến xe đêm, sáng tinh mơ khách đã tới thành phố Cao Bằng. Trước khi khám phá “công viên địa chất toàn cầu”, “thượng đế” có thể “kin lèng” (ăn sáng) bằng những món chỉ Cao Bằng mới có: Bánh cuốn nước, phở vịt… Cách đây nhiều năm, tôi nhớ  có một nhà văn ví von Cao Bằng giống như nàng công chúa ngủ trong rừng, chờ hoàng tử đến đánh thức. Liệu sự công nhận Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu, có giúp “nàng công chúa”  bừng tỉnh, trước mắt ở tiềm năng du lịch? Lại nhớ hai năm trước, tôi háo hức đề nghị một người bạn ở Cao Bằng lái xe đưa đến hồ Thang Hen (huyện Trà Lĩnh), ngắm cảnh. Xe vòng vèo vượt núi, cuối cùng hồ Thang Hen cũng hiện ra, vô cùng thanh bình và quyến rũ. Nhưng sau khi đến hồ Thang Hen tôi đúc rút kinh nghiệm: Nếu không có người yêu hoặc không biết câu cá, thì chưa nên đến đây làm gì.  Chả lẽ vượt bao đường núi ngoằn nghèo, chỉ để ngắm hồ  một lát rồi về? Thật là “hoang mang style” quá đi! Ở đây, hình như không có dịch vụ căn bản nào để người ta giết thời gian, ngoài khu nhà nghỉ đứng im lìm, rất thích hợp cho các cặp tình nhân “đánh lén”.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.