Khát vọng nông nghiệp Đất Chín Rồng xanh:

Thủ tướng yêu cầu thực hiện 4 tốt trong quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 6/3, tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì Hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Khát vọng nông nghiệp Đất Chín Rồng xanh- sinh thái-bền vững” do Bộ NN&PTNT và UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phối hợp tổ chức. Thủ tướng đã yêu cầu ĐBSCL thực hiện 4 tốt trong quy hoạch để vươn lên.

Chủ động mở rộng không gian liên kết

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ĐBSCL đã thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sớm tiếp cận nền kinh tế thị trường. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao so với bình quân cả nước, cung ứng đa dạng các mặt hàng lúa gạo, trái cây, thuỷ sản, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn nội tại, ĐBSCL chưa "cất cánh" như kỳ vọng. Gần đây, ĐBSCL đón thêm một cơ hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện 4 tốt trong quy hoạch ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 2 từ trái qua) tham quan gian hàng bên hành lang

hội nghị. Ảnh: HÒA HỘI

“Cơ hội chỉ được khởi tạo và tận dụng khi từng địa phương và cả vùng chuẩn bị thật tốt, thật đồng bộ ngay từ bây giờ, với tâm thế sẵn sàng, chủ động. Nếu không, sẽ mãi dừng lại ở cơ hội”, ông Hoan nói.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT, trong vài ba năm nữa, khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông - vận tải, đô thị, thủy lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thì ĐBSCL sẽ như thế nào? Chắc chắn dòng chảy nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hoá sẽ cao hơn. Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sẽ đến với ĐBSCL ngày càng nhiều hơn.

Chưa kể, khi công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) đi vào hoạt động chúng ta sẽ cảm nhận được sự phấn khích của gần 18 triệu người dân ĐBSCL. “Cùng với tâm lý phấn chấn, lạc quan, còn bao nỗi niềm, băn khoăn về nông nghiệp ĐBSCL, và cũng là sự trăn trở của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều hội nghị. Do đó, đã đến ĐBSCL cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này”, ông Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng NN&PTNT cũng chỉ ra, hiện nay nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ”, “thiếu tính liên kết vùng”. Chính thách thức đó, như một lời nguyền, nếu không vượt qua được, sẽ khó tạo ra sự phát triển nhanh về chất, và nông sản phải luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Chưa kể, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những nút thắt, thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu.

“Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt”, Bộ trưởng nói thêm.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, Cà Mau cũng như các địa phương khác vùng ĐBSCL đang đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Vào mùa khô nắng hạn kéo dài, độ mặn tăng cao và xâm nhập sâu vào trong nội đồng, gây tác động bất lợi đến nông nghiệp, thủy sản và tài nguyên nước ngọt, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Vào mùa mưa, do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, thủy triều dâng cao với cường độ ngày càng tăng ở nhiều nơi nhất là vùng ven biển, cửa sông gây thiệt hại lớn đến sản xuất, tài sản và tính mạng của người dân, làm cho rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá nặng nề, gây sạt lở nghiêm trọng.

Từ thực tế trên, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề xuất các chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đồng thời, quan tâm, sớm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; hệ thống giao thông đồng bộ (đường cao tốc, đường ven biển, sân bay, cảng biển...) để thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế xã hội.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong. ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

ĐBSCL đóng góp lớn vào GDP nông nghiệp cả nước, chiếm 31,3% GDP ngành nông nghiệp; đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu...

Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức lớn như: việc chuyển đổi tư duy sản xuất còn chậm; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn là chủ lực; giá trị sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ; sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững...

Theo đó, Thủ tướng đề nghị vùng ĐBSCL phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa); nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá (nguồn vốn, quản trị, công nghệ...). Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng yêu cầu ĐBSCL phải thực hiện 4 tốt trong quy hoạch: “quy hoạch tốt để có dự án tốt; có dự án tốt để có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt để có sản phẩm tốt...”. Tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược. Đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi nghề; đầu tư khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp...

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phải theo hướng quản trị hiện đại, đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; đẩy mạnh liên kết vùng trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. “Các bộ, ngành phải đồng hành cùng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; song cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp các địa phương phải chủ động, vì không ai lo cho mình bằng chính mình”, Thủ tướng nêu rõ.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.