Thủ tướng yêu cầu tăng mức bao phủ bảo hiểm y tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị, ngày 3/6. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị, ngày 3/6. Ảnh: TTXVN.
TP - Sáng 3/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc, bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân lên 90% và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bao phủ 90%

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nâng cao tỷ lệ BHYT tiến tới  BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng  gặp nhiều khó khăn để bảo đảm an sinh xã hội. 

Nhận định về tỷ lệ người dân tham gia BHYT hiện nay, Thủ tướng cho rằng: “Sau 25 năm thực hiện, các ngành đã cố gắng nâng diện tham gia BHYT lên 75%. Đây là cố gắng rất đáng trân trọng, nhưng mục tiêu 78% vào cuối năm nay đã cao chưa? Tôi cho chưa phải là cao”. 

Do đó, Thủ tướng đề nghị nâng chỉ tiêu tham gia BHYT lên để người dân được hưởng phúc lợi xã hội, được chăm sóc sức khỏe. Thủ tướng nói: “Chúng ta phải bàn xem đến 2020 chỉ tiêu tham gia BHYT bao nhiêu là vừa, 85% hay 90%. Tôi nghĩ phải 91%”. 

Để thực hiện được mục tiêu, Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương, phải có phân công cụ thể, không chỉ vì mục tiêu số lượng mà còn cả chất lượng. Người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi: “Khi chỉ tiêu đã có, tiền bạc đã có thì chất lượng phục vụ thế nào, có phân biệt giữa khám tự do, khám có tiền với khám BHYT không, có phân biệt khi mua thuốc?”.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ tới 2020, với định hướng tới năm 2020 có ít nhất 90% người dân có BHYT.

Xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, ngành y tế đặc biệt chú trọng thực hiện đề án đổi mới toàn diện thái độ, phong cách, quy định nghiệp vụ tổ chức của các bệnh viện trong tiếp nhận, chăm sóc người dân, bệnh nhân, đồng thời chấn chỉnh thái độ, xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến trung ương có hành vi không đúng với người bệnh. 

Bà Tiến cho biết: “Bộ Y tế đã công khai 83 tiêu chí xếp hạng bệnh viện. Trên cơ sở đó cùng với BHXH xếp hạng để phân bổ tỷ lệ BHYT”. Theo đó giảm dần việc cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế và chuyển phần tiền đó sang hỗ trợ người dân mua BHYT. 

Bà Tiến cho biết thêm: “Thời gian tới, liên bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh giá đối với những người không có thẻ BHYT để đảm bảo bình đẳng giữa 2 nhóm đối tượng, thúc đẩy người dân tham gia BHYT. Từ cuối năm nay đến đầu 2017, mỗi đợt chúng tôi thực hiện điều chỉnh khoảng 8-10 tỉnh, thành phố”.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, trước ngày 30/6, hệ thống tin học hoá giám định thanh toán chi trả BHYT tại 14.000 cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc sẽ được liên thông đồng bộ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: “Các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm. Trước mắt, nếu bệnh viện nào không thực hiện kết nối liên thông dữ liệu phục vụ giám định, thanh toán BHYT thì BHYT treo lại không thanh toán. Phải tiến tới không còn sự khác biệt giữa người đi khám BHYT với các dịch vụ khác. Để làm được điều này cần đổi mới cơ chế quản lý các bệnh viện, tiến tới năm 2021 người dân có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào cũng được khám chữa bệnh như nhau”.

Hỗ trợ đối tượng mua BHYT

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Chúng ta xác định ngân sách nhà nước trung ương và địa phương cùng tiếp tục hỗ trợ người mua BHYT. Như Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nói, mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng  trong năm 2016 là 450,1 tỷ đồng.  Số tiền này có thể ưu tiên dùng từ nguồn kinh phí kết dư, đề nghị Thủ tướng cho bảo đảm khoản này. 

Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ thêm. Đồng thời, cần xem xét phương án mở rộng hỗ trợ người tham gia BHYT tự nguyện lúc đầu”. Phó Thủ tướng đề xuất: “Chúng ta có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế hướng tới mục tiêu các cơ sở y tế cơ bản tự chủ về tiền lương, phụ cấp sau khi tính vào giá dịch vụ trong khi hiện 1 năm chúng ta dành 11.000 tỷ đồng chi lương cho ngành y tế. Tôi đề nghị ngân sách không giảm khoản này và chuyển sang hỗ trợ cho một số đối tượng mua BHYT tự nguyện lần đầu từ năm 2017”.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT, tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT.

Ý kiến các địa phương như TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai… đều cho rằng, để thu hút người dân tham gia BHYT, điều quan trọng đầu tiên là phải nâng cao chất lượng khám chữa BHYT. Ngoài ra, Hà Nội đưa ra một số đề xuất, như nâng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thành 50% (hiện mới hỗ trợ 30%), hỗ trợ các đối tượng tham gia theo hộ gia đình thêm 10%. Một số ý kiến đồng tình nhà nước tiếp tục hỗ trợ dân mua BHYT, tuy nhiên cũng cần tính đến mặt trái là nhiều người dân có tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ.

MỚI - NÓNG