Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Khổ vì cán bộ lơ mơ

Người dân đến khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Ảnh: DN.
Người dân đến khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Ảnh: DN.
TP - Đây là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên tại Hội thảo Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và triển khai Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) 2014 ngày 4/1.

Theo quy định từ 1/1/2015, chính sách bắt buộc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình có hiệu lực, tuy nhiên sau một năm triển khai, chủ trương này chưa hiệu quả. Với rất nhiều chính sách hỗ trợ khi tham gia BHYT hộ gia đình, song ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, mặc dù đã tiến hành vận động, thậm chí “mời” nhiệt tình nhưng người dân vẫn thờ ơ. Đến khi ốm đau, phải nhập viện mới đi xin, đi “chạy” mua BHYT.

Theo ông Tiên, đây là một chủ trương đúng nhưng khi triển khai ở cơ sở lại có vấn đề, rất lúng túng. “Có người ở Nam Định gọi cho tôi bảo phải chờ tới 3 tháng mới lấy được thẻ BHYT”, nêu thực trạng, rồi ông Tiên đề nghị phải đổi mới cơ chế cấp thẻ, khi người dân bỏ tiền ra thì phải được cấp thẻ, đừng bắt dân phải chờ đợi khổ sở.

Mặc dù đã có chủ trương với rất nhiều chính sách ban hành, song theo ông Tiên, người dân ở nhiều vùng biển đảo vẫn chưa được công nhận, chưa được mua BHYT. Thậm chí có nhiều địa phương rất máy móc, chẳng hạn ở Cát Bà (Hải Phòng), chính sách ban hành từ lâu nhưng người dân vẫn chưa được giải quyết, bây giờ không biết thế nào? Hay nhiều vùng ở bãi ngang cũng gặp tình cảnh tương tự.

“Khi tham dự hội nghị ở Hậu Giang, tôi hỏi về chính sách này, mấy ông bảo không biết. Tôi bảo các ông làm chuyên ngành, trong khi luật đã ban hành như vậy mà lại không nắm được? Làm cán bộ, lãnh đạo như vậy mà còn không biết nữa thì dân khổ đến mức độ nào? Hay ở Thanh Hóa, một số dân vùng bãi ngang, UBND tỉnh cũng không duyệt mua cho người dân. Chúng tôi thường nói, các ông có tiền mà lại không biết tiêu. Hay có tiền nhưng lại chi vào việc khác hết rồi?”, nêu hàng loạt bất cập, ông Tiên đề nghị các ngành phải ủng hộ, đồng thời cấp xã cần có cán bộ chuyên trách về việc này.

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) thanh minh: Mặc dù đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh xuống địa phương cùng nhiều công văn hướng dẫn, nhưng do đây là một chính sách mới nên khi thực hiện không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Ngành bảo hiểm nhiều năm muốn có một cán bộ cấp xã nhưng không được. Quá trình thực hiện ở địa phương cũng còn nhiều rắc rối, vẫn bắt người dân phải phô tô giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy kết hôn…

TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, BHYT hộ gia đình thực chất là hình thức khuyến mại, nhưng điều quan trọng làm thế nào triển khai cho thực sự hiệu quả. Đây là một mô hình mới, nên theo ông Tuấn, ở cấp xã phải có sự hướng dẫn rất cụ thể cho người dân, làm sao để dân phải được nhận thẻ thật nhanh và giảm thiểu chi phí tối đa. Thậm chí ông Tuấn còn đề nghị trưởng thôn, hay cấp xã cũng có thể bán BHYT gia đình luôn được.

Tỏ ra không đồng tình với đề xuất này, ông Bằng cho hay: “Giao cho trưởng thôn bán, nếu ông ấy mang tiền đi…uống rượu thì ai chịu trách nhiệm? Lý thuyết thì hay, nhưng chúng ta phải đi vào thực tế, nếu không sẽ rất khó thực hiện”. Trước đó ít phút, ông Bằng cũng cho biết, đang đề nghị xin biên chế cấp xã để phục vụ cho cả BHYT lẫn BHXH.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.