Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ (ảnh VGP) |
Sáng ngày 4/6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích một số nét chính về bối cảnh, tình hình tháng 5 vừa qua. Theo đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước diễn biến phức tạp, chiến sự ở Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định, tác động tới kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Rủi ro lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá dầu. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.
Trong nước, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát. Nhiều sự kiện lớn, quan trọng diễn ra. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII kết thúc tốt đẹp, thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng về đất đai, kinh tế tập thể và nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Chính phủ tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng như các dự án thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém, một số dự án đầu tư công kéo dài, chậm tiến độ từ nhiều năm. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức phát điện sau nhiều năm "đóng băng".
Với việc dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei Asia, nhờ các kết quả kiểm soát dịch bệnh, bao phủ vắc xin và mở cửa nền kinh tế.
Công tác phòng, chống tham nhũng, việc điều tra, xử lý các vụ án được triển khai rất tích cực. Công tác đàm phán phân giới cắm mốc biên giới được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Việc giải ngân đầu tư công cần cố gắng hơn.
Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các thủ tục triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Một số vấn đề liên quan tới sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh cần có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn để đáp ứng mong muốn, yêu cầu của người dân.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế, xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tăng niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,86%, bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020).