Thủ tướng: Tránh tình trạng ‘tăng trưởng trước, dọn dẹp sau’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2023 (VBF 2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành cần có lộ trình phù hợp cho tăng trưởng xanh, kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.

Việt Nam cần khử carbon nền kinh tế?

Phát biểu tại phiên họp cấp cao VBF 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng điểm lại những thành tựu tăng trưởng kinh tế 2022, có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là "điểm sáng trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng: Tránh tình trạng ‘tăng trưởng trước, dọn dẹp sau’ ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - nhận định, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) - cho hay, để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách. Để làm được điều này, Chính phủ cần cho phép và khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện tiếp cận và đầu tư vào năng lượng tái tạo bên cạnh việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, điều cần thiết là phải xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và tất cả các quy định cần thiết với việc sớm thực hiện một chiến lược bù đắp năng lượng điện than.

Thủ tướng: Tránh tình trạng ‘tăng trưởng trước, dọn dẹp sau’ ảnh 2

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nêu ý kiến.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Nagaoka cho biết, những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Tuy nhiên, do Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành nên hoạt động của các nhà máy điện tái tạo và những ngành công nghiệp có liên quan bị ảnh hưởng rất lớn.“Chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm ban hành quy hoạch này”, ông Nagaoka bày tỏ.

Phản hồi về các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến chính sách điện gió ngoài khơi; hydro xanh… ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho hay, đây là những vấn đề Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng (Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia).

Mục tiêu chính của 2 quy hoạch quan trọng này là đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26. Thủ tướng đã chỉ đạo việc tiếp cận năng lượng của nền kinh tế và người dân với chi phí hợp lý. “Đây là những mục tiêu song hành và thách thức, tuy nhiên chúng tôi đang đề ra các chương trình để thực hiện mục tiêu này”, ông An cho biết.

Không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tăng trưởng xanh là xu thế trên thế giới. Đây là chủ đề thiết thực trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

Thủ tướng: Tránh tình trạng ‘tăng trưởng trước, dọn dẹp sau’ ảnh 3

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”.

Về những kiến nghị của doanh nghiệp tại diễn đàn, liên quan tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, do đó chúng ta phải đoàn kết, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả.

"Việt Nam không muốn nhà đầu tư đến kinh doanh bị lỗ, bởi thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Trong đó, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực, và mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh.

"Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân", Thủ tướng đề nghị.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư trong tăng trưởng xanh.

MỚI - NÓNG