Giảm mạnh DNNN
Thủ tướng khẳng định, chủ trương là phải tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả, cạnh tranh tốt hơn. Trong các giải pháp tái cơ cấu, trọng tâm là CPH, bởi CPH cho thấy hiệu quả nhất. Thủ tướng yêu cầu thực hiện bằng được kế hoạch CPH 432 DN đã được phê duyệt phương án trong hai năm tới.
“Phải quyết liệt làm cho được. Đồng thời, rà soát tiếp để bổ sung thêm số DN phải CPH trong 2 năm 2014- 2015 theo tiêu chí mới. Giảm mạnh hơn nữa số DN nhà nước nắm giữ 100% và giữ cổ phần chi phối. Thực tiễn cho thấy có thể làm được. Cần mạnh dạn CPH để dùng vốn này đầu tư vào lĩnh vực khác. Quan trọng hơn, CPH, đa sở hữu sẽ tạo ra động lực. Khi đó, quản trị, kiểm soát tốt hơn, ngăn ngừa tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, ông Phạm Viết Muôn cho biết: Theo các đề án đã phê duyệt, do từ năm 2011- 2013 đạt thấp nên số DN cần CPH còn lại trong hai năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm 216 doanh nghiệp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế mới phù hợp, khả thi để bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN.
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, cần có chỉ đạo tập trung, quyết liệt với những đơn vị có nhiều DN thuộc diện CPH, nhưng kết quả kém. Đặc biệt là: TP.HCM (77 DN), Hà Nội (49 DN), Hải Phòng (15 DN), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (16 DN), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (11 DN)...
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đề xuất Thủ tướng chỉ phê duyệt danh sách DN không CPH, các DN còn lại đương nhiên là CPH.
Thay lãnh đạo DN chần chừ CPH
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ trong hai năm tới. Thủ tướng cho rằng, việc tái cơ cấu DNNN thời gian qua còn chậm. Ba năm (2011- 2013) mới sắp xếp được 180 DN, trong đó 99 DN CPH. Việc thoái vốn ngoài ngành cũng chậm, mới được 19%, tương đương hơn 4 nghìn tỷ trong số 21 nghìn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Lãnh đạo DN nào không thông, chần chừ thì mời làm việc khác, nhưng đừng bố trí làm cao hơn”. Ảnh: Chu thắng
Thủ tướng yêu cầu từng bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cấp ủy để tạo sự thống nhất ý chí và hành động quyết tâm làm. “DN nào, cán bộ nào không thông, chần chừ thì mời làm việc khác; chưa nói đến việc kiểm điểm. Mà làm việc khác, nhưng đừng làm cao hơn. Bố trí làm cao hơn là anh em người ta không chịu”, Thủ tướng nói.
Trong báo cáo, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cũng đề xuất chế tài: Bộ trưởng các bộ quản lý ngành; chủ tịch UBND tỉnh, thành; chủ tịch HĐTV tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng về kết quả tái cơ cấu DNNN thuộc phạm vi phụ trách. Đồng thời xử lý nghiêm, cách chức, miễn nhiệm, điều chuyển lãnh đạo DN không nghiêm túc thực hiện; thực hiện không có kết quả tái cơ cấu DNNN và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành DN.
Trong tháng 2/2014, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về thoái vốn DNNN, định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá; phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian; thoái vốn đầu tư tại các công ty đại chúng thua lỗ...
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường phối hợp để xử lý vướng mắc. Cái gì khó thì báo cáo Thủ tướng và đưa ra thường trực Chính phủ quyết định.
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và thoái vốn nhà nước tại DNNN không cần nắm giữ chi phối, Thủ tướng cho rằng, cái nào càng để càng lỗ thì bán ngay. Các tập đoàn tập trung làm ngành chính nên có thể chuyển phần đầu tư ngoài ngành sang Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xử lý và bán dần, thu hồi vốn có hiệu quả cho nhà nước. Với các công ty tài chính của tập đoàn, ngân hàng thương mại nhà nước mua hoặc tiến hành hợp nhất. “Rút lui phải có trật tự, hiệu quả chứ không phải bỏ chạy toán loạn được”, Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, tới đây sẽ phân loại thoái vốn ngoài ngành theo lĩnh vực, dự án và có biện pháp cụ thể với từng loại dự án. Dự án càng để càng mất vốn thì phải bán nhanh hơn. Trường hợp không thoái vốn được thì có thể chuyển hoặc bán cho SCIC. Chủ trương không ép thoái vốn bằng bất cứ giá nào. Những khoản đầu tư đang hoặc sẽ có cơ hội cũng không phải vội vàng thoái vốn ngay.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một số DN đang hoạt động hiệu quả cũng nên chuyển về SCIC để tiếp tục cơ cấu lại. Các Bộ, ngành chỉ nên giữ lại những tổng công ty quan trọng, những lĩnh vực có chi phối đến nền kinh tế.
Trong hội nghị này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, do chậm CPH, Chủ tịch HĐTV, Tổng GĐ và Kế toán trưởng của Tổng Cty xây dựng Giao thông 8 đã bị cách chức, chuyển công tác. “Nếu tiến độ CPH không đạt mục tiêu, trách nhiệm đầu tiên là Thứ trưởng. Sau đó sẽ cách chức lãnh đạo công ty, thay người mới. Nếu người mới lên vẫn không đảm bảo tiến độ sẽ tiếp tục thay”, ông Thăng khẳng định.