Sáng 27/11, chủ trì cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau hai năm, chúng ta đã đúc rút được các nguyên lý trong phòng, chống dịch .Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Để phòng, chống dịch hiệu quả, từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng khẳng định, vắc xin có tính chất quyết định, cộng với ý thức người dân là rất quan trọng. Việc thúc đẩy sản xuất vắc xin và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vắc xin, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.
Chia sẻ với các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, Thủ tướng nêu rõ, đây là công việc rất quan trọng, rất cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân. Vì thế, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết để nhận thức và hành động cho đúng. Cần hết sức tránh hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 trong nước (ảnh Nhật Bắc) |
Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất bằng được vắc xin và thuốc trong nước, nhưng phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, chống mọi tiêu cực, sách nhiễu, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chịu bất cứ một tác động, sức ép nào. Các cơ quan quản lý, chuyên môn cần làm việc công tâm, khách quan, trung thực, hiệu quả để đạt mục tiêu đề ra.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất cần kiên trì theo đuổi công việc này vì mục tiêu khoa học, tinh thần nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tính mạng và sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất.
Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan cần khẩn trương rà soát lại, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất thuốc và vắc xin trong nước. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ trên tinh thần tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo, tại Việt Nam, hiện có 9 loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp. Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vắc xin trong nước, hiện có các ứng viên như: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vắc xin do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển. Bộ Y tế cũng đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ…
Việt Nam đang sử dụng một số thuốc điều trị đặc hiệu như Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir,...; thuốc kháng thể kép cho bệnh nhân COVID-19 nặng và một số thuốc hỗ trợ khác, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền… Một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu… cũng đang được nghiên cứu.