Trong 7 tháng năm 2024 tỉnh Đắk Lắk đạt được những kết quả như: Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá so sánh năm 2010) ước đạt 25.493 tỷ đồng; Xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023; Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64% dự toán Trung ương giao và 53% dự toán HĐND tỉnh giao.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng chỉ đạt 40,6% kế hoạch năm 2024. Đến ngày 31/7, đã giải ngân đạt xấp xỉ 39% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, cao hơn 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Quang cảnh buổi làm việc |
Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, đến hết năm 2023 tỉnh thực hiện đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu kế hoạch. Trong giai đoạn này, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chủ trương đầu tư 58 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 29.000 tỷ đồng và thu hút 13 dự án FDI với số vốn đăng ký 515 triệu USD. Giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp đạt 70.000 tỷ đồng, bằng 62,5% kế hoạch 5 năm, bình quân tăng 6%/năm…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đắk Lắk có vị trí, vai trò rất quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đắk Lắk đạt được. Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế như: Đắk Lắk vẫn là tỉnh khó khăn; Tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra, thấp hơn trung bình so với cả nước; Triển khai 3 chương trình mục tiêu Quốc gia còn chậm; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức rất cao so với cả nước; Tình hình khiếu kiện liên quan đến hợp đồng khoán, tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp, chưa giải quyết triệt để; tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn xảy ra...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk cần phải nhanh, bền vững và toàn diện; dựa vào 4 trụ cột tăng trưởng: Phát triển các sản phẩm nông lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao hướng tới thị trường xuất khẩu; Công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thuỷ lợi; Dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.
Phát triển kinh tế - xã hội song hành với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị hợp tác; gắn kết với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và xoá đói giảm nghèo; tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo.
“Tôi đề nghị thời gian tới, Đắk Lắk bám sát các trụ cột tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, sớm đạt mức trung bình khá của cả nước. Phát triển không gian sinh thái, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.