Thủ tướng: Phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp.
TP - Sáng 29/12, kết luận phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, muốn thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương phải vượt qua lợi ích cục bộ, vượt qua tư duy nhiệm kỳ.

Không quyết liệt, sẽ tụt hậu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, vấn đề đặt ra làm sao trong thời gian tới, tạo ra sự chuyển động cả hệ thống, chứ không chỉ Chính phủ nói chung mà từng bộ trưởng, vụ trưởng, vụ phó, chuyên viên rồi bí thư, chủ tịch tỉnh, huyện, nhất là các cấp chính quyền cơ sở. “Phải quyết tâm xây dựng một Chính phủ, hệ thống chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng ta phải làm bằng được việc này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập bối cảnh năm 2017, Thủ tướng cho biết, có rất nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết phức tạp, nợ công nếu tính đầy đủ thì đã vượt trần cho phép, nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém rất khó khăn... Các dự án thua lỗ không chỉ ở con số 12 mà còn nhiều dự án khác nữa có vấn đề. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh còn thấp, chỉ đạo điều hành chưa cao, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm.

“Nếu năng lực cạnh tranh không được nâng lên, không đổi mới, cải cách để khắc phục những lạc hậu, cản trở thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Thủ tướng nói. Nếu không tái cơ cấu quyết liệt, không nâng cao được chất lượng sức cạnh tranh của nền kinh tế thì chúng ta sẽ tụt hậu, và không giải quyết được các thách thức về môi trường, an ninh, đối ngoại… Ngoài ra, nếu không thu hẹp được khoảng cách phát triển thì cũng không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

“Nếu cứ vận hành bộ máy cũ, cách làm cũ thì không thể nào có hiệu quả được. Tái cơ cấu trước hết là ở chính mình, trong nội bộ ngành mình”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương phải vượt qua lợi ích cục bộ, vượt qua tư duy nhiệm kỳ để thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế; nếu cứ vận hành bộ máy cũ, cách làm cũ thì không thể nào đạt hiệu quả. “Tái cơ cấu trước hết là ở chính mình, trong nội bộ ngành mình”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thống nhất đưa ra chủ đề  của năm 2017: “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” là nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. “Tôi đề nghị tất cả đồng chí có quyết tâm chính trị, có khát vọng đưa đất nước phát triển sang giai đoạn mới”, Thủ tướng nói. Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành tập trung tháo gỡ thể chế chính sách, sớm trình, sửa đổi ngay những quy định ràng buộc kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Kiên quyết chống lợi ích nhóm, cơ chế xin cho

Một nhiệm vụ quan trọng nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra là phát động toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, một phong trào tiết kiệm rộng rãi, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: “Tiết kiệm từng đồng bạc của dân; tiêu từng đồng tiền thuế của dân thì cần phải suy nghĩ thấu đáo”.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách. Quản lý nợ công phải hiệu quả, chặt chẽ, chỉ vay trong điều kiện trả nợ. Đặc biệt, kiên quyết chống lợi ích nhóm, cơ chế xin cho, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật về kỷ cương tài chính.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương quản lý chặt chẽ, không để thất thoát, tham nhũng xảy ra. “Chúng ta cần kiên quyết xử lý các dự án nghìn tỷ thua lỗ không thể phục hồi. Nếu để kéo dài thì thiệt hại càng lớn, thất thoát càng lớn”. Phải xử lý trách nhiệm cả người đứng đầu và người tham mưu, chứ không để tham mưu sai mà không chịu trách nhiệm. “Bao nhiêu ông tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị tham mưu sai, làm dự án thua lỗ, để nhân dân phải gánh chịu hậu quả thì phải xử lý”, Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra làm rõ vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm thường xảy ra trong dịp Tết, không để xảy ra trọng án lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân, không được để dân thiếu cơm và muối…, để mọi người dân có niềm tin vào chế độ. “Có dân là có tất cả, không có dân là mất tất cả”, Thủ tướng nói.

Chấn chỉnh quy hoạch đô thị

Đối với sự phát triển đô thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh ngay công tác quy hoạch. “Có điều rất lạ là tất cả các cơ sở di dời ra khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao, nhiều khu chung cư cao 40 - 50 tầng dày đặc, gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, môi trường. Trong khi đất nước chúng ta, con em, gia đình đang cần các công viên, công trình công cộng và góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt TPHCM và Hà Nội, cần nghiêm túc rà soát lại nhằm chấn chỉnh kịp thời trước khi quá muộn. “Tôi nói các đồng chí phải hiểu rằng không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích chung của cộng đồng”, Thủ tướng nói. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách Nhà nước đổ vào không đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông. Nếu không cấm xây thêm chung cư cao tầng trong nội đô thì hàng loạt dự án đô thị ven đô, khu đô thị vệ tinh sẽ không tiếp tục được, bị bỏ hoang.

“Không có một lý thuyết quy hoạch nào tại trung tâm lại cho xây dựng chung cư 50 tầng, với mấy ngàn căn hộ, làm sao chịu được, ai cho phép, quy hoạch nào cho phép”, Thủ tướng nói và cho rằng, với 2.800 căn hộ mà mỗi nhà giàu có 2 ô tô thì không biết sẽ đi bằng cách nào. “Tôi đề nghị ngày 15/12 báo cáo lên đây nhưng đến nay chưa báo cáo. Mảnh đất nào trống chúng ta cấp cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao? Nguy cơ này là do chúng ta gây ra”, Thủ tướng nói.

Đối với tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp Bộ Quốc phòng, TPHCM khẩn trương làm quy hoạch mở rộng. Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất 25 triệu khách/năm, nhưng năm 2016 đã là 32 triệu khách. “Ngày mai tôi sẽ họp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để hoàn thiện và báo cáo với Thủ tướng. Sau đó sẽ có lộ trình cụ thể thực hiện các dự án thành phần. Phải nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 40-50 triệu khách/năm”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải tăng chỗ đỗ máy bay, tăng thêm một đường dẫn, tăng thêm đường băng và tăng thêm 2 ga hành khách. Đồng thời tăng cường quản lý không lưu. Cùng với đó là hệ thống giao thông bên ngoài sân bay, vấn đề này TPHCM phải tập trung làm. Với các dự án liên quan mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đa số sẽ dùng vốn ngoài nhà nước.

MỚI - NÓNG