3 đột phá chiến lược
Chiều 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.
Tại Diễn đàn, sau khi lắng nghe ý kiến bộ ngành, đại biểu xoay quanh chủ đề về các giải pháp giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn để vượt qua thách thức trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các ý kiến nêu ra đều “đúng và trúng”.
Chia sẻ với các chuyên gia quốc tế về đường lối phát triển của Việt Nam hiện nay, Thủ tướng cho biết, đường lối tập trung vào 3 trụ cột chính: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn trọng tối đa sự khác biệt, nhưng tập trung, có sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân và của dân trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng được là điểm sáng được bạn bè quốc tế đánh giá tích cực (Ảnh: Như Ý). |
“Việt Nam không hy sinh tiến bộ công bằng, xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Chúng ta đang tiến hành 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế, hạ tầng chiến lược; nguồn nhân lực; thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khối u phải xử lý, nhưng cần bình tĩnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, môi trường vĩ mô biến động mạnh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, đảm bảo ổn định, trở thành điểm sáng trong khu vực và trên thế giới.
Qua chuyến công tác tại châu Âu vừa qua, nhiều đối tác cũng đánh giá cao Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác, chia sẻ. “Rõ ràng sự phát triển của đất nước trong thời gian qua đã giúp nâng cao vị thế của chúng ta trên trường quốc tế”, Thủ tướng nói.
Dù vậy, Thủ tướng cho rằng, hiện nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cùng lúc phải xử lý. Đó là vấn đề rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản ách tắc, thị trường trái phiếu mất niềm tin do các sai phạm, thị trường lao động suy giảm do ảnh hưởng của lạm phát.
“Nhiều ý kiến lo ngại việc xử lý vi phạm gây mất ổn định tình hình. Nhưng những yếu kém trên bắt buộc chúng ta phải xử lý để lành mạnh hóa thị trường. Khi đã xử lý, phải chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể. Như thân thể bị ung thư phải cắt bỏ và phải chịu đau rồi mất thời gian và tiền bạc để hồi phục”, Thủ tướng nói và cho biết, tính đến ngày 16/12 Chính phủ đã ban hành 4 công điện giải quyết các vấn đề thị trường tiền tệ, trái phiếu, bất động sản, lao động việc làm. Do đó, các bộ, ngành cần phải bình tĩnh, tập trung giải quyết mạch lạc từng vấn đề.
Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành điều hành chính sách tiền tệ, tài chính linh hoạt, hiệu quả (Ảnh: Như Ý). |
Về giải pháp giữ vững ổn định và phát triển kinh tế thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành quyết liệt thực hiện các chỉ đạo đã đôn đốc. Với chính sách tiền tệ, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo sự cân bằng; giữa tăng trưởng và lạm phát; cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá; điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các đơn vị tập trung vào các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm.
“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mục tiêu không phải tăng thu mà phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; có chính sách giãn thuế, phí, hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi tối đa”, Thủ tướng nói và đề nghị 2 chính sách này cần phải hỗ trợ, kết hợp với nhau một cách linh hoạt, hiệu quả. Dù vậy, trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, của các đối tượng liên quan.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tập trung hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đầu tư công với quan điểm lấy nguồn lực Nhà nước là vốn mồi thu hút đầu tư; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đồng thời đa dạng hóa các quan hệ đầu tư, thương mại trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.