Động lực, giải pháp nào phát triển kinh tế Việt Nam ổn định, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”. Hội thảo có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). 

Một số nội dung chính được chia sẻ như: Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ; Sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; Thúc tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm; Tạo động lực phát triển Kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Động lực, giải pháp nào phát triển kinh tế Việt Nam ổn định, bền vững ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Chỉ thị nêu rõ năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế nước ta dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của của tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa vững chắc của kinh tế thế giới như tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, chống tự do thương mại ở một số nơi, lạm phát tiếp tục tăng cao và trở thành vấn đề lớn tại nhiều quốc gia; dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn và chứa ẩn nhiều rủi ro; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.

Dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn hoan nghênh và ghi nhận sự hoạt động tích cực cũng như sáng kiến của Báo Xây dựng tổ chức hội thảo Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng Hội thảo này sẽ là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội, các nhà khoa học, giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí - truyền thông, doanh nghiệp... gặp gỡ, trao đổi, phân tích đánh giá về thực trạng, cơ hội, tiềm năng đầu tư và thách thức đối với ngành Xây dựng và ngành Kinh tế của đất nước. Sẽ đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị tốt nhất, Bộ Xây dựng là cầu nối sẽ tổng hợp gửi các cơ quan Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, các Bộ, ngành để xem xét tiếp thu, phục vụ xây dựng chính sách và điều hành... góp phần cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sắp tới”.

Động lực, giải pháp nào phát triển kinh tế Việt Nam ổn định, bền vững ảnh 2

PGS.TS Hồ Sỹ Hùng

Tại Hội thảo, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng nêu rõ bên cạnh kết quả đạt được cũng dễ dàng nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED…

“Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số” - PGS.TS Hồ Sỹ Hùng cho biết thêm.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, sau những khó khăn đã phải trải qua, bước sang năm 2023 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự thích ứng linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế. Cũng phải thẳng thắn thừa nhận còn một số vấn đề về tăng trưởng, việc làm và niềm tin trong nền kinh tế. Những yếu kém trong nội bộ doanh nghiệp được bộc lộ ra, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng những yếu tố khách quan này lại tạo nên sự đổi mới, buộc doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.

Động lực, giải pháp nào phát triển kinh tế Việt Nam ổn định, bền vững ảnh 3

Các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, trong giai đoạn hiện nay vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn... cần được tiếp cận một cách đúng đắn hơn nữa; doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn trong thể chế, minh bạch, công bằng, không hình sự hóa. Đồng thời, cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào những chiến lược kinh doanh, đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh hay hợp đồng những điều khoản khi nảy sinh tranh chấp – nguyên tắc tranh chấp./.

MỚI - NÓNG