Gói chính sách tài khóa, tiền tệ phải đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Quy mô gói chính sách tài khóa và tiền tệ phải đủ lớn, có mục tiêu trọng điểm, trọng tâm để giải quyết vấn đề cấp bách và tránh lãng phí nguồn lực”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến nêu.

Chiều 30/12, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo trước kỳ họp bất thường lần thứ nhất, diễn ra vào đầu tháng 1/2022.

Trả lời câu hỏi liên quan đến chính sách tài khoá, tiền tệ trình Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh, dự thảo nghị quyết cần đáp ứng các quan điểm quan trọng như bám sát chủ trương định hướng của Đảng, tập trung tăng cường cho tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên tổng cung.

Đặc biệt, khi thực hiện gói chính sách tài khóa và tiền tệ phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài, đảm bảo gắn với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, một nội dung rất quan trọng là huy động và quản lý được nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai và chống tiêu cực và lợi ích nhóm.

Đối với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, theo bà Yến, 5 giải pháp chủ yếu được đưa ra để tổ chức thực hiện.

Thứ nhất, là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh. Thứ hai, là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Thứ ba, là hỗ trợ đầu tư công và phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thứ tư, là phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thứ năm, là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Như vậy, với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cơ bản bao quát được toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế, trong đó xác định ưu tiên cho lĩnh vực y tế gắn với chương trình và chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và các giải pháp đều được chú trọng tính hiệu quả, lan tỏa và phù hợp với bối cảnh tình hình mới”, bà Yến cho hay.

“Trong sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, phải đảm bảo linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa để đảm bảo giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để tối ưu hóa nguồn lực. Quy mô của gói chính sách tài khóa và tiền tệ phải đủ lớn, có mục tiêu trọng điểm, trọng tâm để giải quyết vấn đề cấp bách và tránh lãng phí nguồn lực”, bà Yến nhấn mạnh, đồng thời cho biết các giải pháp sẽ được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ một cách tối đa, thực hiện trong thời gian chủ yếu là năm 2022 và 2023.

Trả lời câu hỏi xoay quanh việc triệu tập kỳ họp bất thường tới đây, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, Quốc hội họp 2 kỳ mỗi năm và họp bất thường khi cần thiết. Theo ông Cường, kỳ họp này “quả thật là cấp bách vì chúng ta đang cần có một quyết sách liên quan đến phục hồi phát triển kinh tế".

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh, gói tài chính tiền tệ hết sức quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế. “Nếu gói này được thông qua ở những ngày đầu năm 2022 thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 – 2023 và cả nhiệm kỳ. Đó là yếu tố để giải quyết những việc cần thiết, cấp bách, nếu để lại đến kỳ họp tháng 5, rõ ràng sẽ chậm đi 5 tháng”, ông Cường cho hay, đồng thời khẳng định, “nếu giải quyết muộn một ngày đã khác rồi chứ đừng nói đến 4-5 tháng”.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.