Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động
TPO - Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản” diễn ra tại Cần Thơ vào sáng 10/12. Nhiều vấn đề nóng đã được nông dân thẳng thắn đặt vấn đề với Thủ tướng.

Sáng 10/12 tại Cần Thơ, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức, với sự tham gia của hơn 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương, Hội Nông dân các tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đặc biệt là sự có mặt của hàng trăm bà con nông dân.  

"Vấn đề nóng" gửi đến Thủ tướng

Bà Lý Thị Nga ở tổ Xuân Đại, thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng, Cao Bằng) hỏi rằng: Hiện nay có không ít con em nông dân ở vùng sâu, vùng xa muốn được học nghề nhưng gặp nhiều khó khăn do không có địa điểm học nghề tại địa phương, học xa phải ở trọ. Vậy Chính phủ có kế hoạch, chính sách gì để đưa việc dạy nghề về tận địa phương cho các cháu được đi học nghề nhiều hơn không?. "Nhiều họ hàng tôi đã lên thành phố làm lao động tự do, kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi các cháu ăn học. Nhưng lao động di cư lên thành phố sống khổ lắm, điều kiện sống chật chội, đi làm nhiều rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, các cháu lên học hành cũng khó khăn tìm trường, điện nước thì giá cao", bà Nga nói.

Đồng thời, bà cho biết, hiện nay có tình trạng nhiều công ty xuất khẩu lao động, đường dây môi giới xuất khẩu về tận các vùng nông thôn để lừa đảo, thu tiền của người dân đi lao động chui, điển hình như sự việc 39 người bị thiệt mạng tại Anh vừa qua là một vụ việc rất đau lòng. Chúng tôi rất mong Thủ tướng chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, triệt phá các đường dây lừa đảo này?. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân 

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đại diện cho 4.000 hộ chăn nuôi heo vùng Đông Nam Bộ đặt câu hỏi với Thủ tướng rằng: năm 2019, được coi là năm rất khó khăn của ngành chăn nuôi vì dịch tả lợn châu Phi. Cả nước có tới hơn 6 triệu con lợn bị chết hoặc phải tiêu hủy. Mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ, song làm thế nào để xây dựng nền chăn nuôi bền vững đem lại lợi nhuận cao luôn là vấn đề mà những người nông dân trăn trở.

Một vấn đề nữa, đó là hiện nay việc chi tiền hỗ trợ cho người nông dân ở nhiều nơi quá chậm, có nơi đã gần 1 năm, nông dân vẫn chưa nhận được tiền. Chưa kể như ở Hải Hậu, Nam Định vừa qua đã có 3 cán bộ bị bắt vì gian dối trong khai khống dịch bệnh. Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo gì, để nông dân sớm nhận được tiền, tái đàn và xử lý nghiêm các cán bộ gian dối trong phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động ảnh 2 Lực lượng chức năng An Giang xử lý heo lậu qua biên giới 

Ông Lý Văn Bon (Bảy Bon), ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đặt vấn đề: vài năm trở lại đây tình trạng sạt lở làm mất đi diện tích đất đáng kể làm ảnh hưởng đời sống của người dân. Còn ông Phan Văn Thụ ở ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang hỏi rằng: Hiện  nay ở nhiều tỉnh ĐBSCL đã phải áp dụng các biện pháp tăng vụ, khai thác triệt để đất đai đưa vào sản xuất, có nơi canh tác tới 3 vụ lúa/năm hay tình trạng đào ao nuôi trồng thủy sản phá vỡ quy hoạch xảy ra ở nhiều nơi. Điều này đã dẫn tới việc phải đổ hàng triệu tấn hóa chất, phân bón, thuốc kháng sinh nuôi trồng thủy sản xuống đồng ruộng, ao hồ thì xử lý như thế nào?...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn trả lời câu hỏi về tình hình dịch tả lợn Châu Phi: Ông cho rằng, thời gian qua chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, dịch bệnh, mới đây nhất là dịch tả lợn châu phi. Chính phủ giao Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xây dựng kế hoạch tổng thể và kịch bản phòng, chống bệnh dịch với nhiều tình huống khác nhau; đồng thời các cấp địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể và từng giai đoạn. bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Cùng vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết thêm, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều khoản tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ người dân không có khả năng trả nợ, nếu sự việc xảy ra với quy mô lớn thì có thể tính đến việc xoá nợ. Về phía ngân hàng, chúng tôi chỉ đạo tất cả các chi nhánh khoanh nợ, kéo dài các khoản nợ tạo điều kiện cho người dân, trong đó có người dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu phi có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ&TBXH trả lời câu hỏi của bà Lý Thị Nga về xuất khẩu lao động. Ông cho biết, hiện nay Bộ đã cấp phép cho 400 doanh nghiệp xuất khẩu lao động có thời hạn làm việc ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... với 130.000 người làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay, các DN xuất khẩu lao động chấp hành tương đối tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tâm lý của người dân muốn làm sao đi thật nhanh, thiếu thông tin để lừa đảo. Để tránh lừa đảo, người dân có thể tham khảo thông tin chính xác trên website của Bộ LĐ&TBXH. Tránh mất số tiền lớn mà vẫn không được lao động một cách hợp pháp. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm những đối tượng sai phạm, không để nông dân bị cuốn vào vòng xoáy lừa đảo của những đối tượng này. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động ảnh 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan ẢNH: HÒA HỘI 

Kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân nước ta. "Đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc, nếu không có khát vọng, chúng ta không thể thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.

 Theo Thủ tướng, nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp ĐBSCL đều đạt được những thành công quan trọng. Nói về ĐBSCL chúng ta xuất khẩu lớn như thế, và chúng ta đã đảm bảo được một mức lợi nhuận cho người dân. Tuy vậy, tại hội nghị này còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra. "Sắp tới đây hội nghị về vấn đề môi trường ở nước ta, trong đó vấn đề về xử lý chất thải rắn, nhất là rác ở nông thôn, cần có thông điệp rõ ràng hơn. Cần cung cấp đầy đủ hơn những thông tin liên quan đến thị trường, tiêu chuẩn cần thiết để xuất khẩu", Thủ tướng nói.

Năm nay nước ta đã giảm 500.000 ha đất trồng lúa để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục rà soát các loại thủ tục liên quan đến hỗ trợ của người nông dân, như thủ tục vay vốn, là vấn đề cần được quan tâm.

Thủ tướng cho rằng, khởi nghiệp cho nông dân là một vấn đề rất lớn. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này các bộ ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. "Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có", Thủ tướng nhắn nhủ.

MỚI - NÓNG