Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghiêm cấm phát canh thu tô, lợi ích nhóm

Rừng Tây Nguyên bị tàn phá Ảnh: hồng v ĩnh
Rừng Tây Nguyên bị tàn phá Ảnh: hồng v ĩnh
TP - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm phát canh thu tô, lợi ích nhóm, đồng thời năm 2020 tất cả các địa phương phải hoàn thành sắp xếp xong công ty nông lâm trường (NLT).

Ngày 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Làm rõ ai là chủ từng mảnh đất

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tính đến 30/6 năm nay, cả nước đã có 160/256 công ty NLT hoàn thành sắp xếp, chuyển sang mô hình mới (đạt 62,5%).

Bước đầu cho thấy, sau khi sắp xếp, các công ty này hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tài nguyên, đất đai được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương, đơn vị thực hiện việc sắp xếp các NLT còn chậm, nhất là sắp xếp theo mô hình 2 thành viên, chỉ đạt 37,5% và có 27 công ty hiện chưa thực hiện việc sắp xếp.

Công tác quản lý đất đai tại một số công ty còn phức tạp. Còn hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty sau sắp xếp, hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế. Diện tích đất, tài sản trên đất các công ty bàn giao về địa phương còn ít, chỉ mới 91.400/gần 463.000 ha. Một số địa phương khi thực hiện sắp xếp chưa xử lý được các tồn tại về tài chính như: nguồn vốn vay dự án 327, vốn ODA (Sơn La, Yên Bái…), vốn vay ngân hàng (Nông trường Sông Hậu)...

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, trước đây, việc giao đất cho NLT chủ yếu trên giấy tờ, không rõ ràng trên thực địa, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Đến nay vẫn còn 13 tỉnh do không cân đối được kinh phí, nên chưa đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính… khiến quá trình sắp xếp các NLT bị chậm.

Ông Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương có 12 công ty nông lâm nghiệp, hiện đã sắp xếp được 7, còn 5 công ty dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành. Theo ông Quý, đất đai là vấn đề mấu chốt, nên tỉnh đã thành lập các tổ công tác đến địa phương để đánh giá toàn diện. Chỗ nào đất NLT  giữ để sản xuất, chỗ nào giao cho dân, chỗ đất trao tay, giao ít người, nhưng quản lý đất rất rộng…

Ông Quý cho biết, dù mới sắp xếp được 7 công ty, nhưng đến nay đã khoảng 10.000 ha chuyển từ NLT về cho địa phương quản lý. “Với những chỗ đất sang tay cho nhiều người, cần xử lý nghiêm. Chỗ nào phương án sản xuất không rõ, đề nghị giao cho địa phương, hoặc giao cho các đơn vị sử dụng hiệu quả cao hơn”, ông Quý nói.

Theo ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cần làm rõ ai là chủ thực sự của từng mảnh đất trong gần 2 triệu ha đất NLT. “Thời gian tới, cần tập trung đo đạc, cắm mốc, xây dựng bản đồ địa chính, trên từng mảnh đất phải làm rõ chủ thực là ai, có đúng luật pháp, đúng quy hoạch, chủ trương hay không… Nếu sai phạm thì phải xử lý”, ông Phát nói.

Cũng theo ông Phát, khi chuyển đất về địa phương cần ưu tiên đất cho đồng bào dân tộc, phần còn lại cho thuê theo cơ chế thị trường, trong đó cần có những phương án cụ thể với từng đối tượng.

1,8 triệu ha đất NLT đóng góp gì cho nền kinh tế?

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước đây cả nước có 9 triệu ha đất NLT, sau khi sắp xếp, đến nay các NLT vẫn quản lý trên 1,8 triệu ha, chiếm khoảng 10% đất nông nghiệp cả nước. “Các NLT thường nằm ở vị trí đắc địa. Vậy hơn 1,8 triệu ha đó đóng góp gì cho nền kinh tế dân sinh, phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Cũng theo Thủ tướng, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2015 các địa phương phải sắp xếp xong NLT, nhưng đến nay vẫn còn 13 tỉnh chưa triển khai đo đạc. Thủ tướng đặt vấn đề: “Bây giờ thử tìm khu vực nào còn 100-200 nghìn ha đất trống để trồng rừng, liệu có không? Làm gì còn nữa! Nhưng giấy tờ vẫn nhiều đất đai”. Thủ tướng cũng cho rằng, có tình trạng Nhà nước không nắm được ai sở hữu đất NLT.

Theo Thủ tướng, tình trạng phát canh thu tô ở NLT vẫn còn. Các địa phương cần chấn chỉnh ngay, không để xảy ra tình trạng chia đất để làm nhà, việc này, việc khác, thu lợi, không đóng thuế, không chuyển quyền sử dụng, không kiểm soát đầy đủ…

Thủ tướng lưu ý công tác chỉ đạo của địa phương về sắp xếp NLT chưa đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt. “Có dư luận về một số trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, tình trạng lợi ích nhóm, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực tài nguyên đất đai…

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Cần đưa 1,8 triệu ha đất NLT thành động lực cho phát triển kinh tế, là một bộ phận quan trọng quá tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thậm chí là lực lượng dẫn dắt…

Đất đai, tài nguyên rừng cần được giao cho chủ thể trực tiếp khai thác hiệu quả. Nghiêm cấm tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian. Một là NLT làm trực tiếp, hai là người dân làm hưởng lợi trực tiếp, không để khoán cho thuê, rồi thuê người này, kia thuê tiếp để hưởng lợi trung gian”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp trong năm 2020 và “mục tiêu này không thể chậm hơn”. Thủ tướng cũng lưu ý cần làm tốt công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, làm sai, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí, đặc biệt là đừng để tình trạng làm chậm như thời gian qua.

MỚI - NÓNG