Thủ tướng lưu ý: “Chính quyền không chỉ đạo DN sản xuất gì mà cần đồng hành và hỗ trợ DN về môi trường pháp lý, về tiếp cận thị trường để DN tự ra quyết định trong sản xuất kinh doanh. Đấy là cách tiếp cận kiến tạo phát triển, nhằm phát huy tính sáng tạo của thị trường, của các nhà đầu tư. Hơn nữa, tỉnh cần chỉ đạo nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi DN, đừng để tình trạng trì trệ xảy ra”.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hậu Giang: Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, thủy sản quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời chú trọng tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thực hiện có hiệu quả “liên kết 4 nhà” là vấn đề cần chú trọng. Đưa doanh nghiệp (DN) vào nông nghiệp, chứ không phải hộ nhỏ lẻ; Hậu Giang phấn đấu là tỉnh đổi mới sáng tạo, năng động để phát triển thịnh vượng, dựa vào tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, trong đó cần tập trung phát triển nền nông nghiệp đa chức năng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển từ nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp;Phải căn cứ quy hoạch toàn vùng ĐBSCL, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch đất lúa, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới; Tiếp tục quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất”.
Về việc lựa chọn đầu tư, Thủ tướng cho rằng xu hướng hiện nay là phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sống lâu dài cho người dân. Vì vậy phải hạn chế tối đa điện than, đón nhận mô hình khác như điện gió, năng lượng mặt trời… “Chúng ta và các nhà đầu tư nên quan tâm, không phải chỉ Hậu Giang mà các tỉnh khác với tinh thần là kiên quyết không lấy môi trường để đánh đổi phát triển”-Thủ tướng khẳng định.
Ông Đồng Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh có những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2-4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4-9 năm tiếp theo, với thuế suất ưu đãi 10-17%. Riêng nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư nằm trong quy hoạch của tỉnh được giảm 50% tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Ông Thanh cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. “Ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định chung, Hậu Giang còn có cơ chế riêng ưu đãi nhà đầu tư, trong đó có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Miễn giảm thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ các thủ tục đăng ký và triển khai dự án”-ông Thanh nói.
Hậu Giang hiện đang kêu gọi đầu tư vào 7 dự án với số vốn 261 triệu USD, trong đó có đầu tư xây dựng hạ tầng 3 cụm công nghiệp tập trung gồm: Đông Phú (diện tích 120ha); thị trấn Mái Dầm - giai đoạn 3 (huyện Châu Thành - diện tích 80ha); Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A - diện tích 100ha); đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang (huyện Long Mỹ - diện tích chung 5.200ha).
Tại hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang trao chủ trương đầu tư cho 5 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.