Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, bão số 9 tác động trực tiếp đến miền Trung, gây thiệt hại nặng về người, tài sản: 80 người chết và mất tích (trong đó có 45 người do sạt lở), 727 nhà sập hoàn toàn, 176.000 nhà hư hỏng. Tổng thiệt hại khoảng 10.000 tỉ đồng.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trước khi bão vào, địa phương đã sơ tán hơn 88.000 dân, chủ động neo đậu tàu thuyền, vì vậy khu vực đồng bằng ven biển không bị thiệt hại về người. Nặng nề nhất là thiệt hại do sạt lở ở khu vực miền núi, trong đó có Trà Leng (huyện Nam Trà My) và Phước Lộc. Thiệt hại ban đầu tại Quảng Nam là 3.800 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, sớm có bản đồ cảnh báo sạt lở, tai biến địa chất; cử lực lượng chuyên môn cao đánh giá sạt lở ở Quảng Nam để có khuyến cáo kịp thời khi mùa mưa bão đến.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu cây trồng, tìm cây trồng vừa làm gỗ lớn, thời gian dài, hạn chế khai thác ngắn hạn cây keo, ảnh hưởng thảm thực vật.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hầu hết các khu vực bị sạt lở từ Quảng Trị, đến TT-Huế, Quảng Nam đều có yếu tố nội sinh tương đối rõ ràng. Những vùng này trong lịch sử từng xảy ra đứt gãy. Dãy đứt gãy, đất đá hình thành vùng than đá rất lớn, tạo nên đất đá gây lở, bùn cát.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh, thành miền Trung cần đoàn kết, quyết tâm để vượt qua thử thách, vượt qua trở ngại của thiên nhiên để phát triển.
Thủ tướng yêu cầu tìm mọi biện pháp tìm kiếm nạn nhân mất tích do bão ở Quảng Nam, TT - Huế, Bình Định và tích cực điều trị người bị thương. Đặc biệt, những nạn nhân vụ sạt lở ở Trà Leng, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tích cực chăm sóc, quan tâm từ ăn, ở, đi lại miễn phí; quan tâm chăm sóc gia đình bị nạn, những nạn nhân sạt lở; sớm có biện pháp khắc phục để con em có trường lớp, sách vở đến trường.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hệ thống chính trị, quân đội, công an tích cực giúp dân dựng lại nhà cửa bị hư hỏng, sớm ổn định đời sống. Các địa phương phải nghiên cứu quy hoạch dân cư nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, những vùng nguy hiểm.
“Không được để người dân sống cảnh màn trời chiếu đất, đói cơm lạt muối, bệnh tật. Việc tiếp nhận hỗ trợ từ các đơn vị cần minh bạch, địa phương cần phân bổ kịp thời và đúng đối tượng... ”, Thủ tướng nhấn mạnh.